Yếu tố nào đóng vai trò then chốt cho thị trường chứng khoán năm 2025?

Các chuyên gia nhận định, để thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trưởng bền vững, cần có sự hỗ trợ từ cả dòng vốn trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường đang trở thành yếu tố then chốt, có thể tạo ra bước ngoặt quan trọng, thu hút dòng tiền mạnh mẽ và thúc đẩy sự đột phá trong năm 2025.

Thị trường chứng khoán năm 2025 có nhiều cơ hội để phát triển đột phá Những “bệ đỡ” cho thị trường chứng khoán bứt tốc Thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá năm 2025

Nhận định về thị trường, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu – Chuyên gia Chiến lược đầu tư tại Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research chỉ ra, diễn biến thị trường chứng khoán trước Tết Nguyên đán 2025 có nhiều điểm tương đồng với xu hướng được ghi nhận trong lịch sử.

Dữ liệu thống kê từ năm 2012 đến 2024 cho thấy, thị trường thường có một giai đoạn điều chỉnh vào tuần thứ hai hoặc thứ ba trước Tết, đi kèm với thanh khoản suy giảm. Tuy nhiên, tuần cuối cùng trước Tết - hay còn gọi là tuần giáp Tết và tuần đầu tiên của năm mới lại thường chứng kiến hiệu ứng tâm lý tích cực, giúp thị trường khởi sắc.

Các chỉ số chính trong phiên đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nguồn: KBSV.

Mặc dù hiệu ứng tâm lý này có tính ngắn hạn, nhưng nó thường diễn ra trong bối cảnh thị trường không có nhiều biến động lớn về mặt thông tin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thị trường hoàn toàn miễn nhiễm với những yếu tố bất ngờ.

Dù vậy, nếu nhìn lại các năm gần đây từ 2021 đến 2024, thị trường vẫn có xu hướng diễn biến tích cực quanh thời điểm Tết. Ngay cả trong năm 2022, một năm suy giảm mạnh của thị trường, thì vào cuối năm, chỉ số vẫn có nhịp hồi phục đầu tiên từ vùng 900 điểm. Điều này cho thấy hiệu ứng tích cực trước và sau Tết thường đi cùng với một bối cảnh chung là thị trường đã trong xu hướng tăng trước đó.

Chuyên gia từ SSI Research cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam là một khoảng thời gian dài, trong khi đó, thị trường tài chính thế giới vẫn vận động liên tục. Lịch sử cho thấy, có những năm thị trường đối mặt với những biến cố bất ngờ ngay sau Tết. Chẳng hạn, vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ngay sau kỳ nghỉ, khiến thị trường phản ứng tiêu cực do xuất hiện những thông tin chính thức về đại dịch.

Đáng chú ý, bối cảnh năm nay có phần khác biệt. Thị trường đang trong giai đoạn đi ngang, chưa có động lực rõ ràng để bứt phá. Nếu sau Tết, hiệu ứng tâm lý tiếp tục duy trì mà không có yếu tố hỗ trợ thực sự, thị trường có thể vẫn chỉ dao động trong biên độ hẹp mà chưa thể hình thành một xu hướng mới.

Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết cũng là khoảng thời gian mà các biến động từ thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Các yếu tố như biến động từ thị trường Mỹ, diễn biến cổ phiếu công nghệ hay chính sách thương mại mới của Mỹ đều là những yếu tố có thể tác động đến thị trường trong giai đoạn này.

Nhìn chung, mặc dù hiệu ứng tâm lý tích cực quanh Tết là một yếu tố quen thuộc, nhưng để thị trường duy trì đà tăng bền vững, vẫn cần những động lực nền tảng rõ ràng hơn từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo của Công ty CP Chứng khoán SSI về triển vọng thị trường cho rằng, năm 2025 được kỳ vọng sẽ có những bước tiến nhanh hơn, tạo điều kiện để thực hiện nhiều cải cách quan trọng.

Tuy nhiên, nếu mong chờ một sự đột phá thực sự của thị trường ngay trong năm tới, yếu tố then chốt vẫn sẽ là quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Những thông tin này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với nhà đầu tư trong nước, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ không chỉ đến từ đầu tư công – lĩnh vực đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm với hàng loạt dự án được thúc đẩy mạnh mẽ – mà còn phụ thuộc vào sự phục hồi của tiêu dùng nội địa và những cải cách trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là bất động sản.

Thị trường bất động sản có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế, bởi sức mua và chi tiêu của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến của thị trường này. Khi niềm tin của tầng lớp trung lưu được củng cố nhờ sự khởi sắc của bất động sản, chi tiêu tiêu dùng có thể gia tăng đáng kể, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung. Chính vì vậy, nếu các yếu tố này diễn ra theo kỳ vọng, những cột mốc quan trọng như VN-Index 1.200 hay 1.300 điểm sẽ không còn là rào cản lớn đối với thị trường.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/yeu-to-nao-dong-vai-tro-then-chot-cho-thi-truong-chung-khoan-nam-2025-169710.html