Yếu tố nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cải thiện trong nửa cuối năm?

Giới phân tích nhận định, nửa cuối năm, lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ cải thiện nhờ chi phí giảm, bao gồm giá đầu vào (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

Doanh nghiệp ngành cá tra đang “gồng mình” chống chọi với rất nhiều khó khăn và kết quả kinh doanh giảm sút trong nửa đầu năm là minh chứng rõ nhất cho những thử thách của ngành. Dù vậy, giới phân tích nhận định, nửa cuối năm nay lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ cải thiện nhờ chi phí giảm, bao gồm giá đầu vào (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành hàng cá tra sau 25 năm phát triển đã trở thành ngành hàng quan trọng với sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt kỷ lục 2,46 tỷ USD vào năm 2022. Đây là niềm tự hào của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Tuy nhiên, trước bối cảnh trầm lắng của thị trường xuất khẩu, Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 15%. Một kịch bản xấu hơn là có thể giảm từ 20 - 25% kim ngạch xuất khẩu cá tra so với năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường châu Âu đạt khoảng 88,4 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, thị trường Hà Lan là thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 29%.

VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra 7 tháng năm 2023 đạt kim ngạch 1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm hơn 30% thị phần, tương đương 337 triệu USD nhưng lại giảm 58% so với cùng kỳ 2022.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2, chiếm 16% tỷ trọng, tương đương 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Đức và Singapore là 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng dương về giá trị ở mức lần lượt là 32% và 3%.

Tại hội nghị An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức vào ngày 5/8, Phó Tổng thư ký VASEP - Tô Tường Lan cho rằng, dựa vào tình hình 7 tháng của năm 2023, chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo. Một điểm bất thường không phải là sức mua mà là đơn đặt hàng từ các đối tác rất chậm tại tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Đại diện VASEP dự báo trong thời gian tới sẽ có sự phục hồi nhẹ tại thị trường Mỹ vì mức lạm phát đang hạ nhiệt, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhiều hơn, cũng là thời điểm tích trữ cho các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho các mùa lễ hội cuối năm; lượng tồn kho cá tra tại các nước đang giảm dần; giá thức ăn cá tra đang giảm giúp nông dân đẩy mạnh nuôi cá vào những tháng cuối năm, chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, sau năm xuất khẩu kỷ lục 2022, đến năm 2023, xuất khẩu cá tra sụt giảm cả về sản lượng và giá trị. Nguyên nhân đến từ nhu cầu các thị trường xuất khẩu sụt giảm; trong đó, thị trường Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu tại thị trường Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng sau khi mở cửa kinh tế hậu “Không COVID" (Zero Covid).

Dù vậy công ty chứng khoán này vẫn kỳ vọng, nhu cầu từ các thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm; trong đó, thị trường Mỹ phục hồi nhờ lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, chỉ số niềm tin người tiêu dùng bắt đầu phục hồi rõ nét; nhu cầu đơn hàng cải thiện để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm; xuất khẩu thị trường Trung Quốc kỳ vọng có thể tăng nhẹ nhờ các biện pháp kích thích nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.

Mặc dù vẫn đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng Agriseco kỳ vọng giá cá tra xuất khẩu có xu hướng phục hồi khi nhu cầu đơn hàng quay trở lại.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành cá tra, với kỳ vọng nhu cầu và giá xuất khẩu phục hồi từ nửa cuối năm 2023.

Cụ thể, Chứng khoán Vietcap cho rằng, với điều kiện thời tiết El Nino được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2023 và giá hàng hóa nông sản cao hơn do xung đột Nga-Ukraine, Vietcap cho rằng chi phí nuôi trồng sẽ vẫn ở mức cao và sự sụt giảm nguồn cung cá tra sẽ kéo dài trong thời gian còn lại của năm 2023 và nửa đầu năm 2024.

Vietcap cũng kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi so với quý trước bắt đầu từ quý III/2023 với cán cân cung-cầu thuận lợi hơn. Với giả định rằng sản lượng xuất khẩu sẽ phục hồi đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2023, do niềm tin của người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế chính như Mỹ đang có vẻ mạnh mẽ hơn dự kiến trước đây.

Cá tra sẽ củng cố vị thế trên thị trường quốc tế như một lựa chọn kinh tế thay thế cho các loại cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên đắt tiền khác. Cùng đó, việc nguồn cung cá tra hiện tại bị hạn chế sẽ dẫn đến giá bán phi lê cá tra cao hơn. Các nhà chế biến cá tra sở hữu hoàn toàn hoặc kiểm soát phần lớn nguồn cung cá sẽ được hưởng lợi.

Thu hoạch cá tra tại phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Thu hoạch cá tra tại phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đã ra báo cáo cập nhật ngành thủy sản. Theo đó, công ty chứng khoán này cho biết, tác động của việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.

Cụ thể, ngày 24/8, Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả thủy sản từ Nhật Bản trong bối cảnh nước này bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Lệnh cấm nhập khẩu này chưa rõ sẽ kéo dài đến khi nào. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản kể từ tháng 7/2023.

SSI nhận định cá tra không phải sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Xuất khẩu Thủy sản Nhật Bản chiếm chưa đến 5% trong cơ cấu tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc và động vật thân mềm (mực, bạch tuộc, sò...) là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu phi lê cá từ Nhật Bản sang Trung Quốc chỉ đạt 11,8 triệu USD. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nước xuất khẩu chính cho Trung Quốc. SSI lưu ý rằng thủy sản nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc đã tăng kể từ đầu năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Theo SSI, đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã chứng khoán: IDI), Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của 3 công ty này.

Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, SSI vẫn tin rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu có mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); chi phí vận chuyển giảm.

SSI kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong quý III/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong quý III/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023.

SSI có quan điểm thận trọng hơn nhiều về sự phục hồi của giá cá tra bình quân sang Mỹ do cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, Chứng khoán SSI cho biết, Công ty cổ phần Nam Việt được hưởng lợi khi được miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

Thực tế, với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này ghi nhận doanh thu thuần 2.723 tỷ đồng trong quý II năm nay, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng ở mức 429 tỷ đồng, giảm 46%.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh sụt giảm chủ yếu do sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán của các đơn hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đang dần cải thiện so với quý II/2023 xét về sản lượng tiêu thụ.

Còn Công ty cổ phần Nam Việt ghi nhận lỗ 51,04 tỷ đồng trong quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nhiệp vẫn có lãi 41,3 tỷ đồng, nhưng mức lãi này giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, kết quả kinh doanh kém tích cực là do sức mua của các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp giảm mạnh.

SSI cũng dự báo lợi nhuận ròng của Công ty cổ phần Nam Việt giảm sâu trong năm nay, nhưng sẽ phục hồi mạnh vào năm 2024, vì xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.

 Mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp tại huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: TTXVN

Mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp tại huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: TTXVN

Trước khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản; trong đó, đáng chú ý, VASEP đã đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp được giãn nợ các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II-III/2023.

Theo VASEP, hiện lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng quá cao. Trong khi đó doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu và thường vay USD. Tuy nhiên từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất-xuất khẩu thủy sản.

Về nội dung VASEP kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023/.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đầu tư nâng công suất, đổi mới công nghệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các kiến nghị của VASEP để theo chức năng, nhiệm vụ được giao có giải pháp phù hợp theo thẩm quyền và quy định hiện hành, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan nêu trên trong quá trình xử lý các kiến nghị của VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/yeu-to-nao-giup-loi-nhuan-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-tra-cai-thien-trong-nua-cuoi-nam/305902.html