Yếu tố nào quyết định khả năng mời 'tổng công trình sư' về nước làm việc?

'Tổng công trình sư' là những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới. Làm thế nào để kêu gọi được những chuyên gia này về nước làm việc?

Trao sứ mệnh quốc gia cho “tổng công trình sư”

Ngày 6/7, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo “nóng” của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt” cho đội ngũ “tổng công trình sư”, “kiến trúc sư trưởng”, những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới.

Nhiều người Việt ở nước ngoài là thành viên cốt lõi của các dự án trọng điểm của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia (Ảnh minh họa)

Nhiều người Việt ở nước ngoài là thành viên cốt lõi của các dự án trọng điểm của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia (Ảnh minh họa)

Mới nhất, ngày 20/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn, quy trình tuyển dụng, chế độ làm việc và chính sách đãi ngộ dành cho các “tổng công trình sư”, “kiến trúc sư trưởng” phải được trình trong tháng 7/2025. Đồng thời xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Theo đó, mỗi bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn hai “tổng công trình sư” - một phụ trách công nghệ thông tin, một phụ trách chuyên môn nghiệp vụ - để cùng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số riêng của đơn vị. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “nói đi đôi với làm”, cần có sản phẩm cụ thể, chuyển biến rõ rệt, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Giới chuyên gia cho rằng, những chỉ đạo từ Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ thể hiện một chuyển động rất căn bản trong tư duy thể chế và quản trị quốc gia: từ “quản lý con người theo vị trí” sang “kiến tạo nhân tài theo sứ mệnh”. Đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy Nhà nước không chỉ cần cán bộ làm đúng quy trình, mà cần nhân tài thực hiện được sứ mệnh chiến lược, nhất là trong các lĩnh vực then chốt của kỷ nguyên mới như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới.

Chia sẻ với VOV.VN, Tiến sĩ Trần Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho biết, khái niệm “tổng công trình sư” mang một giá trị biểu tượng rất mạnh mẽ, thể hiện cách tiếp cận mới trong thiết kế thể chế nhân tài: thay vì tuyển chọn những người “giỏi chuyên môn từng phần”, chúng ta tìm kiếm và đặt niềm tin vào những người “giỏi kiến tạo tổng thể”.

Giáo sư Trần Đăng Xuân (người thứ 2 từ trái sang) Đại học Hiroshima, Nhật Bản - là một trong nhiều nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Thời gian qua, ông đã tích cực là cầu nối để mang những công nghệ mới của Nhật Bản giới thiệu tại Việt Nam (Ảnh: VOV-Tokyo)

Giáo sư Trần Đăng Xuân (người thứ 2 từ trái sang) Đại học Hiroshima, Nhật Bản - là một trong nhiều nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Thời gian qua, ông đã tích cực là cầu nối để mang những công nghệ mới của Nhật Bản giới thiệu tại Việt Nam (Ảnh: VOV-Tokyo)

Việt Nam có nhiều người rất giỏi làm trong môi trường khoa học công nghệ tiên tiến, thậm chí là người đứng đầu, phụ trách những dự án khoa học công nghệ chủ lực của tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Tuy nhiên phải nhìn nhận khoảng cách phát triển giữa trong nước và quốc tế, do đó không thể áp dụng tư duy, cách nhìn nhận của mình để kêu gọi họ về thì có khả năng chưa đúng.

“Đối với những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu các lĩnh vực của thế giới họ sẽ muốn dấn thân vào các thách thức, bài toán xứng tầm. Kèm theo đó là nguồn lực bổ trợ để hỗ trợ họ thực hiện. Mỗi chuyên gia có nhu cầu dấn thân và nguồn lực hỗ trợ khác nhau. Nghị quyết 57 nêu rõ mỗi việc, mỗi chiến lược đều có người đứng đầu và theo đó những đơn vị, bộ ngành chủ trì tương ứng cần chịu trách nhiệm có những chế độ để đưa hoặc hợp tác với những “tổng công trình sư” là những chuyên gia giỏi, xuất sắc đã chứng minh được mình ở nước ngoài cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn”, Tiến sĩ Trần Thế Trung nêu ý kiến.

Môi trường làm việc rất quan trọng với tổng công trình sư

Đồng quan điểm, ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi có Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được thông qua, đội ngũ người làm khoa học công nghệ rất phấn khởi và mới nhất là những chỉ đạo từ những Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ điểm nghẽn, “cởi trói” cho người làm khoa học.

Ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Bộ KHCN)

Chia sẻ kinh nghiệm mời nhà khoa học xuất sắc thế giới tham gia các dự án trọng điểm của mình, ông Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai 8 lĩnh vực công nghệ chiến lược trong số 11 lĩnh vực khoa học công nghệ chiến lược do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

“Chúng tôi định hướng phải làm chủ 8 lĩnh vực công nghệ chiến lược. Để thu hút các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới về cộng tác, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng nhất đối với họ là môi trường làm việc và đội ngũ cùng làm việc để giải quyết các bài toán xứng tầm. Cụ thể, với lĩnh vực bán dẫn và vật liệu tiên tiến, chúng tôi đã mời được chuyên gia Nguyễn Bích Yến của của Tập đoàn Soitec về làm đồng hiệu trưởng. Mỗi năm tối thiểu có 3 lần chuyên gia sẽ về Việt Nam để làm việc. Hiện chuyên gia Bích Yến đang hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng phòng thí nghiệm cấp quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Phạm Bảo Sơn cho hay.

Bà Nguyễn Bích Yến là một trong chuyên gia bán dẫn hàng đầu thế giới, nghiên cứu viên cao cấp của Tập đoàn Soitec và là hội viên của Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ (IEEE). Bà hiện sở hữu hơn 200 bằng sáng chế toàn cầu và là tác giả/đồng tác giả của hơn 350 bài báo kỹ thuật và chương sách về quy trình, tích hợp, thiết bị và mạch IC. Bà cũng tham gia các ủy ban kỹ thuật và điều hành của các hội nghị quốc tế hàng đầu. Hiện tại, bà có chỉ số h-index 58 với 11.919 trích dẫn trên các nền tảng khoa học quốc tế.

Tháng 5/2025, bà Nguyễn Bích Yến đã nhận Quyết định làm Chủ tịch danh dự Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa các định hướng phát triển Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu – phát triển – chuyển giao công nghệ chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/yeu-to-nao-quyet-dinh-kha-nang-moi-tong-cong-trinh-su-ve-nuoc-lam-viec-post1216771.vov