Yếu tố quyết định bên nào giành được ưu thế trong xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột ở Ukraine đã biến thành cuộc chiến pháo binh khốc liệt giữa các bên mà bên nào có khả năng sản xuất nhiều đạn dược hơn có thể là bên giành được ưu thế trên chiến trường.

Ukraine chủ yếu dựa vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ và phương Tây nhưng kho vũ khí của chính những nước này cũng đang bị kéo căng khi cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 10.

Binh lính Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion ở Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AP

Binh lính Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion ở Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AP

Trong khi đó, ngày 11/12, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga đang tăng cường sản xuất các vũ khí hiện đại cho quân đội để đối phó với các nước phương Tây hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Medvedev cho rằng, đối thủ của Nga không chỉ ở Ukraine mà còn ở cả châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực khác.

Ông khẳng định: "Vì thế, chúng tôi đang tăng cường sản xuất các vũ khí mạnh nhất. Bao gồm cả những vũ khí được sản xuất dựa trên các nguyên tắc mới".

Đánh giá về khả năng sản xuất đạn dược của Nga

Quân đội của Nga và Ukraine đang sử dụng hàng nghìn quả đạn mỗi ngày, cũng như đối mặt với các thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung nhằm duy trì nhịp độ chiến đấu.

Hiện chưa rõ chính xác Nga còn bao nhiêu đạn pháo trong kho vũ khí và tốc độ sản xuất đạn dược mới của ngành quốc phòng như thế nào. Các quan chức tình báo Mỹ nhiều lần nhận định Nga đang sử dụng đạn dược nhanh hơn so với tốc độ sản xuất.

Dù vậy, các chuyên gia quân sự không tán thành với đánh giá cho rằng Nga có lẽ sẽ cạn kiệt đạn dược trong một vài tháng hoặc hơn 1 năm tới.

"Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng. Mặc dù nó chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt nhưng nó vẫn không bị tác động", Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại think tank Rand Corp cho hay.

"Nga đang cố gắng duy trì ngành quốc phòng trong tầm kiểm soát và có khả năng sản xuất nhiều hơn", chuyên gia này đánh giá.

Trong khi đó, Paul Schwartz - nhà nghiên cứu về quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân cho rằng, các nhà máy của Nga vẫn đang tăng cường sản xuất, song nhận định Nga sẽ gặp khó khăn để duy trì tốc độ sản xuất đạn dược tương đương với mức độ sử dụng trên chiến trường. Trên thực tế, không giống như các vũ khí tiên tiến, đạn pháo của Nga không yêu cầu các thiết bị điện tử hiện đại, vốn là đối tượng của các lệnh trừng phạt phương Tây.

Nhà quan sát Massicot và các chuyên gia khác cho rằng, cuộc đua sản xuất đạn dược đóng vai trò như thế nào trong xung đột vẫn là một câu hỏi mở.

"Những nước ủng hộ Ukraine sẽ đi xa đến đâu và có thể tiếp tục hỗ trợ ở mức độ hiện nay hay không? Hoặc về phía Nga, liệu ngành công nghiệp quốc phòng của họ có thực sự có khả năng sản xuất hiệu quả?", bà Massicot đặt câu hỏi.

Thách thức của Ukraine và kho vũ khí bị kéo căng của phương Tây

Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Ukraine ở vị trí bất lợi về nguồn cung đạn pháo. Theo một nghiên cứu của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), từ 2014 - 2018, 6 vụ nổ đã phá hủy hơn 210.000 tấn đạn dược của Ukraine, trong đó có cả loại đạn pháo cỡ nòng 152mm được sử dụng phổ biến.

"Đây là một sức ép lớn với Ukraine", Nick Reynolds, một trong các tác giả của nghiên cứu, đồng thời là nhà phân tích tại RUSI cho hay.

Ukraine có thể sản xuất phần nào các loại đạn để sử dụng cho các lựu pháo cũ thời Liên Xô nhưng Kiev vẫn phải dựa vào đạn pháo từ phương Tây để sử dụng cho các hệ thống vũ khí do các nước này cung cấp.

Trên thực tế, việc duy trì dòng chảy vũ khí và đạn dược cho Ukraine đã kéo căng kho vũ khí của NATO và làm dấy lên lời kêu gọi về việc tăng cường sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, các nhà sản xuất quốc phòng công nghiệp nhận định họ cần thời gian để tăng cường sản xuất tương đương với nhịp độ sản xuất thời chiến.

Trong khi đó, ông Reynolds cho rằng, các nước NATO đã mất quá nhiều thời gian để vạch kế hoạch tăng cường sản xuất.

"Những cuộc trao đổi về việc này dường như đang diễn ra nhưng chúng diễn ra rất chậm chạp. Lẽ ra điều đó cần diễn ra rất nhanh chóng, ngay sau khi xung đột nổ ra".

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth thông báo trong tháng này rằng, ngành quốc phòng Mỹ sẽ mở rộng sản xuất đạn pháo từ 14.000 quả đạn cỡ nòng 155mm lên 20.000 quả vào mùa xuân năm 2023 và lên 40.000 quả đạn vào năm 2025.

Tuần trước, Nhà Trắng thông báo về gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả đạn dược. Mỹ đã cung cấp hơn 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đề xuất dự thảo ngân sách trị giá 37,7 tỷ USD cho Ukraine và hy vọng nó sẽ được thông qua tại Quốc hội. Các quan chức phương Tây nhận định, gói hỗ trợ này, cùng với gói hỗ trợ của châu Âu, có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong 6 - 9 tháng tới.

Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí hiện đại và có tầm bắn xa hơn, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS, tiêm kích F-16 và xe tăng Abrams. Trong khi chính quyền Mỹ chưa quyết định về việc cung cấp bất kỳ hệ thống nào trong các hệ thống trên thì một số quan chức cho biết họ không loại trừ khả năng này trong tương lai nếu Ukraine cần chúng.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách Colin Kahl gần đây thừa nhận, việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine đã gây sức ép cho kho vũ khí của Mỹ và đồng minh.

"Rõ ràng kho vũ khí của chúng tôi đối mặt với sức ép. Điều này cũng xảy ra với các đồng minh của chúng tôi", Thứ trưởng Colin Kahl cho hay trong cuộc họp trực tuyến của Dự án Truyền thông và An ninh Quốc gia thuộc Đại học George Washington./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: NBC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/yeu-to-quyet-dinh-ben-nao-gianh-duoc-uu-the-trong-xung-dot-o-ukraine-post990407.vov