Ytế | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Năm năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam (địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tổ chức xông hơi giải độc cho nạn nhân CĐDC, qua đó góp phần chung tay vì sức khỏe, tạo sinh kế cho các nạn nhân.
Sau 3 ngày cùng đoàn cựu chiến binh (CCB), nạn nhân CĐDC tỉnh Hà Nam lên an dưỡng, xông hơi giải độc tại trung tâm, CCB, nạn nhân CĐDC Nguyễn Minh Tiến (81 tuổi) ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cảm thấy sức khỏe được cải thiện nhiều, đêm ngủ tốt và ăn ngon miệng hơn.
Tâm sự với chúng tôi, CCB Nguyễn Minh Tiến nói: “Lên trung tâm, không gian xanh, sạch, yên tĩnh; thái độ phục vụ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên rất nhiệt tình. Đặc biệt, với quy trình xông hơi giải độc, tuy mới thực hiện được 3 ngày trong liệu trình 21 ngày nhưng tôi cảm thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt”.
Vượt hành trình từ Bình Dương ra trung tâm, với CCB, nạn nhân CĐDC Đào Thanh Hoa (sinh năm 1951) ở khu 2, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một thì hơn một tuần được đội ngũ bác sĩ, y tá hướng dẫn các bước phục hồi chức năng kết hợp với xông hơi giải độc, sức khỏe cô được cải thiện rất nhiều.
Cô Hoa tâm sự: “Hằng ngày, trước khi xông hơi, tôi được các bác sĩ khám sàng lọc sức khỏe, cho uống vitamin. Quá trình xông hơi được bổ sung thêm canxi và magie, hoa quả tươi; kết thúc thì uống dầu ép nguội bổ sung lượng mỡ tốt cho cơ thể. Xen kẽ giữa các buổi xông hơi là các bài tập về phục hồi chức năng phù hợp. Tôi thấy mình khỏe lên rất nhiều so với khi ở nhà”.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, cho biết: “Tổ chức xông hơi giải độc là một nhiệm vụ quan trọng của trung tâm. Hiện tại, trung tâm đang áp dụng kỹ thuật xông hơi giải độc theo phương pháp Hubbard không đặc hiệu nhằm giúp cải thiện sức khỏe cho những người bị nhiễm CĐDC/dioxin và những người nhiễm độc tố trong cơ thể.
Trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức xông hơi giải độc cho từ 350-500 người, chủ yếu là các CCB, nạn nhân da cam và một phần nhỏ kết hợp làm dịch vụ cho người dân khi có nhu cầu. Ngoài ra, trung tâm tiến hành nuôi dưỡng nạn nhân da cam, duy trì thường xuyên từ 15-20 người trở lên; nuôi dưỡng bán trú từ 70-100 nạn nhân da cam/năm; tổ chức dạy nghề vi tính, cắt may, thêu, dạy kỹ năng sống, học văn hóa cho nạn nhân 4 lớp/năm”.
Chúng tôi có mặt tại phòng học may của trung tâm khi cô giáo Nghiêm Thị Ngân đang hướng dẫn các em là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ hai, thứ ba từng đường kim mũi chỉ để hoàn chỉnh các sản phẩm may mặc. Học viên Phan Thị Nấm, ở xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, cầm trên tay sản phẩm cắt may vừa hoàn thành, phấn khởi khoe với chúng tôi: “Em cứ nghĩ mình sẽ không làm được gì để giúp bố mẹ và tự lập một phần cuộc sống sau này. Nhưng sau một thời gian học vi tính và học may tại trung tâm, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo, em có thể đánh máy vi tính và cắt may được. Dự định sau khi hoàn thành khóa học 3 tháng ở trung tâm, em sẽ về mở một tiệm may, sửa quần áo ở quê nhà”.
Chúng tôi xem những sản phẩm may thử của các em với những đường cắt may gọn gàng, đường chỉ chắc chắn, ít ai nghĩ chúng được tạo ra từ những nạn nhân da cam với những di chứng nặng về vận động và trí não. Cô giáo Nghiêm Thị Ngân cho biết: "Phần lớn các em mang trong mình những khuyết tật khác nhau về trí tuệ, vận động và thính giác... Do vậy, giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại, thường xuyên theo sát, hướng dẫn cụ thể từng em. Có khi chỉ một đường may, giáo viên phải hướng dẫn mấy ngày các em mới đáp ứng được yêu cầu".
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam giao cho, thời gian qua, trung tâm nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cải tạo môi trường xung quanh. Hiện tại, trung tâm có 6 phòng xông hơi giải độc; một phòng phục hồi chức năng; phòng học máy vi tính; phòng học cắt may.
“Đội ngũ chuyên môn của trung tâm gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên được các chuyên gia nước ngoài tập huấn, đồng thời được đi tham quan, tập huấn ở Nhật Bản. Qua 5 năm làm việc, đội ngũ chuyên môn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại trung tâm”-đồng chí Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, chia sẻ.
Với lòng nhiệt tâm, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam thực sự trở thành địa chỉ tin cậy trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, xông hơi giải độc, dạy nghề cho các nạn nhân da cam, góp một phần nhỏ để chung tay giảm bớt khó khăn cho gia đình các nạn nhân và xã hội.