VN-Index bùng nổ chinh phục mốc 1.500 điểm sau 3 năm
Trong phiên sáng ngày 18/7, VN-Index tăng 10,67 điểm, vượt 1.500,68 điểm, chính thức chinh phục mốc tâm lý quan trọng sau hơn 3 năm kể từ tháng 4/2022. Đây là thành quả của quá trình tích lũy dài hạn, đồng thời phản ánh sự thay đổi tích cực trong tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền nội địa và ngoại quốc đồng thuận hướng về các cổ phiếu có nền tảng tốt.
Tâm lý tích cực, dòng tiền chảy vào bluechip và bất động sản
Mặc dù kết phiên giao dịch sáng 18/7 giảm hơn 2 điểm, xuống còn 1.487 điểm so với ngày 17/7, tuy nhiên thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, với trên 970 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Các nhóm ngành chủ đạo như bất động sản, tài chính, tiêu dùng, công nghiệp đều có sự tham gia mạnh mẽ, thể hiện rõ qua các mã cổ phiếu lớn và nhỏ đồng loạt tăng giá, tạo nên một bức tranh thị trường sôi động, lan tỏa rộng khắp.

Kết phiên giao dịch sáng 18/7, thị trường có 836 mã đứng giá.
Trong đó, các mã cổ phiếu lớn như VHM, NVL, DXG, MSN, MWG, HPG, VCB đều ghi nhận mức tăng rõ rệt, thể hiện sự quan tâm của dòng tiền vào các cổ phiếu có nền tảng vững chắc, tiềm năng tăng trưởng rõ ràng trong quý II/2025 và kỳ vọng nâng hạng trong tháng 9 tới. Điều này không chỉ là một tín hiệu kỹ thuật tích cực, mà còn phản ánh nền móng vững chắc của đà tăng trưởng dựa trên các yếu tố vĩ mô và chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng các tổ chức quốc tế.
Chị Tú Uyên, một nhà đầu tư cá nhân ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ niềm vui khi chứng kiến thị trường tăng điểm liên tiếp trong hai ngày gần đây. Chị Tú Uyên cho biết: “Sau một thời gian thị trường rớt sâu, các mã cổ phiếu tôi đầu tư giảm mạnh khiến tôi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, phiên ngày 17/7, thị trường tăng hơn 18 điểm đã giúp các mã giảm lỗ hơn 50%, khiến tôi rất phấn khởi. Ngày hôm nay thị trường tiếp tục tăng, các mã cổ phiếu tôi đầu tư ‘quay vào bờ’ sẽ rất gần”.
Niềm vui của chị Tú Uyên cũng chính là phản ánh tâm lý tích cực của đa số nhà đầu tư, dù vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng điều chỉnh kỹ thuật do chỉ số đã tiến vào vùng quá mua.
Dữ liệu sáng 18/7 cho thấy, dòng tiền chủ đạo vẫn tập trung vào nhóm bluechip và bất động sản, trong đó các mã như VHM, NVL, DXG đều có lực cầu mạnh mẽ. Khối ngoại đã bắt đầu chững lại sau chuỗi mua ròng liên tục, trong khi dòng tiền nội vẫn duy trì vai trò chủ đạo, với giá trị mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên VN-Index.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ đà tăng của thị trường trong thời gian gần đây chính là tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Tại hội thảo “Đón sóng quý III - Vững vàng bứt phá” do KBSV tổ mới đây, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV nhận định: “Chất xúc tác quan trọng dẫn dắt thị trường thời gian qua đến từ tiến trình đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Kết quả sơ bộ cho thấy, mức thuế quan áp lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là thuận lợi so với khu vực, góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư”.
Theo các nhận định từ các chuyên gia, kết quả sơ bộ thể hiện mức thuế quan áp lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có phần thuận lợi hơn so với các khu vực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế hơn trong các thị trường lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Đức Anh, chính sách của Ngân hàng Nhà nước, hính sách tài khóa và giải ngân đầu tư công được duy trì tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy, GDP quý II tăng gần 8%, xuất khẩu tăng 18%. Điều này minh chứng, nền kinh tế nội tại đang vận động mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán.
Mặt khác, dòng tiền nội địa thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong việc đưa VN-Index vượt các ngưỡng kháng cự. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước đã gia tăng mua vào các cổ phiếu bluechip, cổ phiếu ngành bất động sản, tài chính. Trong khi đó, dòng tiền ngoại vẫn duy trì mua ròng nhưng có xu hướng chững lại, phần nào cho thấy sự tin tưởng đã vào thị trường, đồng thời chờ đợi các cơ hội mới của dòng tiền nội.
“Nếu tăng trưởng tín dụng và các chính sách hỗ trợ vĩ mô được duy trì, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp có thể đạt trên 15% trong năm 2025. Với P/E thị trường quanh 14,3 lần – thấp hơn trung bình 10 năm, dư địa tăng điểm vẫn còn, nếu các rủi ro về xuất khẩu transhipment được kiểm soát tốt”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Các nhóm ngành dẫn dắt và chiến lược đầu tư
Trong bối cảnh này, các chuyên gia từ các công ty chứng khoán lớn đều đưa ra các dự báo, cảnh báo phù hợp với tình hình mới. Theo nhận định của KBSV, cuối năm 2025, VN-Index có thể đạt mức 1.530 điểm dựa trên các yếu tố như thương mại thuận lợi, kinh tế mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Anh cũng cảnh báo rằng, hiện tại chỉ số đã vào vùng quá mua, có thể xảy ra điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn, nhất là khi thị trường đang vận động trong vùng kháng cự mạnh về kỹ thuật và tâm lý.

Tốp 10 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trong phiên sáng 18/7.
Trong khi đó, đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, trong ngắn hạn, VN-Index có thể thử thách vùng kháng cự quanh đỉnh lịch sử 1.490 - 1.505 điểm, nhưng cũng nhấn mạnh khả năng xuất hiện các nhịp rung lắc trong tháng 7 do các yếu tố vĩ mô quốc tế như cuộc họp của Fed hoặc các biến động chính trị toàn cầu. Các khuyến nghị của BVSC là duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, nâng trailing stop để bảo vệ lợi nhuận.
Còn theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), xu hướng chung vẫn là tăng, nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt sẽ tiếp tục hưởng lợi. Các nhà phân tích của BSC khuyên nhà đầu tư chú ý các mã của nhóm VIN và bất động sản, đồng thời đề phòng các rủi ro do dòng tiền ngoại bắt đầu chững lại.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán như MAS, TPS, VCSC cũng đồng thuận về khả năng duy trì đà tăng trong trung hạn, nhưng đều cảnh báo về vùng quá mua, đặc biệt là ở các nhóm ngành chính.
Nhìn chung, trong đợt tăng này, lĩnh vực bất động sản tiếp tục dẫn dắt thị trường với nhiều mã tăng trần như VHM (+5,48%), NVL (+4,57%), DXG. Nguyên nhân chính đến từ chính sách đầu tư công, kỳ vọng lợi nhuận quý II khả quan và dòng tiền đổ mạnh vào nhóm này.
Ngành tài chính - chứng khoán cũng có sự góp mặt nổi bật, với SSI, MBS, EIB tăng mạnh, giữ vai trò trụ cột trong đà tăng của VN-Index. Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, VPB cũng thể hiện khả năng giữ vững nhịp tăng.
Nhóm ngành công nghiệp và tiêu dùng như MSN, MWG, HPG tiếp tục là các cổ phiếu chủ chốt, bổ sung sức mạnh cho chỉ số chung. Thị trường cũng chứng kiến sự lan tỏa rộng khắp các ngành, thể hiện qua số lượng mã tăng giá vượt trội so với mã giảm.
Theo các chuyên gia, chiến lược đâu tư hiện nay là giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, ưu tiên các mã có nền tảng tốt và hưởng lợi từ chính sách. Đồng thời, nhà đầu tư cần chặt chẽ trong việc chốt lời khi VN-Index tiến sát các vùng kháng cự 1.530 điểm, nâng dần trailing stop để bảo vệ thành quả. Những ngành như dầu khí, bán lẻ, xây dựng - vật liệu cũng là những điểm sáng để giải ngân trong các nhịp rung lắc sắp tới.
Dù đà tăng mạnh mẽ, các chuyên gia đều cảnh báo rằng, hiện tại chỉ số đã vào vùng quá mua, các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD đều cho tín hiệu cảnh báo khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn. Các vùng kháng cự quanh 1.500-1.530 điểm có thể tạo ra áp lực bán lớn, đặc biệt khi dòng tiền có xu hướng chững lại hoặc nhà đầu tư chốt lời mạnh.
Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như chính sách của Fed, biến động thị trường quốc tế, các vấn đề địa chính trị cũng có thể tác động tiêu cực, gây ra các nhịp điều chỉnh tạm thời hoặc đột biến.