1 công ty Việt suýt mất hơn 13 tỉ khi mua hàng từ đối tác nước ngoài

Công ty Việt Nam đã ký ba hợp đồng mua hàng của đối tác UAE với tổng sản lượng 1.000 tấn nhựa PET, giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, mới đây Vụ Thị trường châu Á- Châu Phi nhận được thư điện tử của một công ty Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ một đối tác tại các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 2, công ty Việt Nam đã ký ba hợp đồng mua hàng với đối tác UAE với tổng sản lượng 1.000 tấn nhựa PET. Giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD giao hàng tại Hải Phòng theo hình thức CFR.

Đến ngày 13-3, công ty Việt Nam đã thanh toán cho đối tác số tiền là 526.257 USD.

Sau khi nhận đặt cọc, đối tác UAE đã giao 25 container hàng cho công ty Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai và nhập hàng vào kho, công ty phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15%-20% so với hóa đơn chứng từ.

Trong quá trình kiểm hóa, nhập hàng, công ty Việt Nam phối hợp của đơn vị giám định độc lập và dưới sự chứng kiến của chi cục hải quan địa phương.

Công ty Việt Nam cho biết sau khi trao đổi với đối tác để cùng giải quyết sự cố, phía bạn không có phản hồi tích cực. Do đó, công ty đã liên hệ với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc.

 Người tiêu dùng mua sản phẩm nhựa gia dụng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Người tiêu dùng mua sản phẩm nhựa gia dụng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngay sau khi nhận được đề nghị của công ty Việt Nam, Bộ Công thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE khẩn trương có công hàm gửi các cơ quan chức năng ở sở tại. Đồng thời trực tiếp làm việc với đối tác của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lãnh đạo ngân hàng tiến hành giao dịch đề nghị hỗ trợ tạm giữ số tiền giao dịch giữa hai bên để làm rõ sự việc, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc khẩn trương, can thiệp kịp thời của Bộ Công thương và Thương vụ Việt Nam tại UAE, đến ngày 11-4 công ty Việt Nam đã nhận lại đủ số tiền tạm ứng cho đối tác UAE, giúp công ty tránh được thiệt hại là 526.257 USD (tương đương với 13,4 tỉ đồng).

Qua vụ việc trên, nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác các nước tại Tây Á, Bộ Công thương khuyến cáo các công ty Việt Nam hết sức lưu ý đối với các hợp đồng giá trị lớn, các đối tác tìm kiếm qua mạng.

Trước khi ký kết hợp đồng, cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác.

Chú ý các điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, có tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch. Các công ty Việt Nam nên phối hợp với một đơn vị giám định độc lập khi tiến hành các thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa…

CFR là viết tắt cost and freight có nghĩa là tiền hàng và cước phí. Đây là một trong các điều kiện thương mại quốc tế thường được áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa.

Theo điều kiện CFR, người bán có trách nhiệm giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để chuẩn bị cho việc vận chuyển.

Người bán chịu mọi rủi ro về tổn thất hay mất mát hàng hóa cho đến khi hàng hóa được giao hàng lên tàu.

Kể từ thời điểm hàng được giao lên tàu thì người mua phải chịu mọi rủi ro có liên quan tới việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa.

Người mua không có bất kỳ nghĩa vụ gì với người bán về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm….

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-cong-ty-viet-suyt-mat-hon-13-ti-khi-mua-hang-tu-doi-tac-nuoc-ngoai-post787408.html