1 dòng sông nhưng có đến 3 bộ cùng quản lý

Việc một dòng sông nhưng quá nhiều bộ ngành liên quan cùng quản lý đang gây khó cho công tác điều phối nguồn nước về hạ du.

Sáng 29-8, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo ký kết các văn bản làm cơ sở tiếp tục thử nghiệm Ban điều phối tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (VG-TB) và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng.

Một hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ảnh: STNMT

Một hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ảnh: STNMT

Nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo của Sở TN&MT Đà Nẵng cho , hệ thống sông VG-TB có diện tích lưu vực 10.350 km2, bắt nguồn từ tỉnh Kon Tum chảy qua Quảng Nam, Đà Nẵng và đổ ra biển Đông.

Tháng 8-2017, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Ban điều phối nói trên nhằm điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra trên lưu vực sông VG-TB.

Sáu năm qua, hoạt động của Ban điều phối đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban điều phối đã tăng cường phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông.

Ban điều phối đã giám sát chặt chẽ việc vận hành của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông VG-TB và đồng kiến nghị Quy trình vận hành liên hồ.

Đặc biệt, năm 2019, Đà Nẵng được Chính phủ trao quyền điều chỉnh vận hành thủy điện khi bị nhiễm mặn. Đây là thành quả to lớn mà Ban điều phối đạt được, cùng với việc chia sẻ nguồn nước thông qua việc hai thống nhất đắp đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế (Quảng Nam).

Từ những kết quả trên, Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục ký kết thỏa thuận phối hợp về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ và ứng phó với biển đổi khí hậu trên lưu vực sông VG-TB và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng.

Mục đích của hai địa phương là tiếp tục thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh - TP để quản lý tổng hợp lưu vực sông VG-TB. Hai địa phương tôn trọng nguyên tắc bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn và hạ lưu.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam ký thỏa thuận tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam ký thỏa thuận tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Bản thỏa thuận nêu ra tám nội dung quan trọng để hai địa phương phối hợp trong thời gian tới. Trong đó chú trọng huy động các nguồn lực trong nước và để hỗ trợ việc thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông VG-TB.

Quá nhiều bộ ngành cùng quản lý một dòng sông

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, VG-TB là một trong 10 hệ thống sông lớn của Việt Nam, có tổng lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm đạt 19.347 triệu m3/năm (tương ứng với lưu lượng nước trung bình nhiều năm khoảng 614 m3/s).

Tuy nhiên thực tế không như các địa phương kỳ vọng. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng mặn hóa, ngập lụt, sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp.

“Bên cạnh đó, việc vận hành các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông nếu không hợp lý sẽ làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy, đặc biệt là hạ lưu các công trình vào mùa khô và những năm hạn hán, thiếu nước”, ông Nam cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu. Ảnh: TẤN VIỆT

Sau khi ký kết thỏa thuận với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị Ban điều phối tham mưu tích cực cho lãnh đạo hai địa phương kiến nghị Bộ TN&MT đưa ra được một tổ chức quản lý sông VG-TB.

“Cái này rất quan trọng. Một lưu vực sông có rất nhiều bộ ngành, nhiều tổ chức quản lý. Nhưng cha chung không ai khóc, ông này làm thì ảnh hưởng đến ông kia”, ông Bửu nói.

Theo ông Bửu, trên cùng một dòng sông nhưng nguồn nước thủy điện thì Bộ Công thương quản lý, nguồn nước tưới tiêu của Bộ NN&PTNT quản lý, nguồn nước chảy bình thường do Bộ TN&MT quản lý.

“Thế sao làm được. Cuối cùng chúng ta cần có một cái gì đó rõ ràng để quản lý, chịu trách nhiệm và điều tiết được nó. Một số nước trên thế giới, một dòng sông là có một công ty quản lý hết. Một công ty thôi và của quốc gia họ. Hiện nước ta không có mô hình này. Ban điều phối phải tham mưu được việc này”, ông Bửu đề nghị.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-dong-song-nhung-co-den-3-bo-cung-quan-ly-post749041.html