1 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, trong khi sửa cái hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, không phải đến kỳ họp này mà tại kỳ họp trước, Bộ Tài chính đã đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở, công trình, không phải chờ dùng vốn đầu tư công mà có thể từ nguồn chi thường xuyên.
Ngày 25/5, tại phiên thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tới giữa tháng 5 này đã vượt 1 triệu tỷ đồng.
“Đây là một vấn đề nhức nhối đối với chúng ta, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công”, ông Đồng cho hay.
Qua đó, đại biểu ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tiếp tục hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp cân bằng với việc chi đầu tư phát triển thực hiện chậm.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói ý kiến đại biểu QH “hoàn toàn đúng”. Theo ông, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu… Để kinh tế phát triển thì phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai…
“Đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế- xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân. Hiện do nghẽn giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm”, ông Phớc cho hay.
Tình trạng “vốn chờ thủ tục” là phổ biến
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban công tác đại biểu quan tâm đến thực trạng lãng phí trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch.
“Tôi ví dụ, đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng sai mục đích bị thu hồi nhưng cuối cùng vẫn chậm được đưa vào khai thác, sử dụng.
Hay như hàng nghìn héc ta đất tại bán đảo Thủ Thiêm, TP HCM, có giá trị rất cao. Nếu sớm được đưa vào xây dựng, khai thác, Nhà nước sẽ thu được thuế, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP HCM trong thu hút đầu tư”, bà Yên cho hay.
Qua thực tế giám sát, đại biểu Yên phản ánh về thực trạng lãng phí trong sử dụng các nguồn vốn ngân sách, nhất là trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Tình trạng “vốn chờ thủ tục” là phổ biến. Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các công trình, dự án, nội dung của cả 3 chương trình ban hành vừa chậm, vừa không phù hợp với tình hình địa phương, đặc điểm vùng miền, đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho các địa phương không chủ động được việc triển khai dự án, công trình, chậm giải ngân”, bà Yên cho hay.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị, căn cứ trên báo cáo thẩm tra, ý kiến của đại biểu, Quốc hội sẽ giao Kiểm toán Nhà nước (cơ quan do Quốc hội bầu) làm rõ trách nhiệm với từng con số cụ thể,
Chính phủ cần giao cho Thanh tra Chính phủ (cơ quan chức năng của Chính phủ) làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo.
“Có như vậy thì báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm mới thực sự hiệu quả và có giá trị”, nữ đại biểu cho hay.
Cần một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ rào cản
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn Bình Định) cho rằng, các vướng mắc như đại biểu Quốc hội chia sẻ cần phải được tháo gỡ.
Theo ông, muốn vậy, cần phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ những nút thắt đang còn là rào cản cho phát triển hiện nay.
Theo Bộ trưởng, không phải đến kỳ họp này mà tại kỳ họp trước, Bộ Tài chính đã đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở, công trình, không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên.
Bộ Tài chính nhận được sự đồng thuận của 63/63 tỉnh, thành và 20/21 bộ, ngành. Đến thời điểm trước kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất: cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên NSNN thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
“Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ hầu hết các vướng mắc hiện nay của các bộ, ngành, địa phương, bởi vì hiện nay, sửa chữa một cái hàng rào thì cũng chờ vốn đầu tư công, nên không thể thực hiện được”, ông Phớc cho hay.
Cũng theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và được sự đồng thuận của tất cả các bộ, ngành, địa phương, song Ủy ban Tài chính Ngân sách đã “bác” đề nghị này và yêu cầu phải thực hiện theo Luật, nếu vướng mắc thì đề xuất sửa Luật Đầu tư công.
“Nghị quyết trình ra Quốc hội chỉ vài dòng thôi, sẽ tháo gỡ được các vướng mắc này của các bộ, ngành, địa phương. Về thẩm quyền, Bộ Tài chính tham mưu làm hết trách nhiệm của mình vì công việc chung”, người đứng đầu ngành Tài chính thẳng thắn chia sẻ.
Liên quan đến vướng mắc trong giải ngân mà câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn chưa giải quyết được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải sửa Luật Đầu tư công, bởi hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều vướng với quy định, có vốn mới được lập dự án và phải có dự án mới có vốn, nếu như vậy thì sẽ không thể làm được.