10 gia tộc giàu nhất châu Á, nhà Samsung chỉ đứng chót bảng
Theo Bloomberg, chính sách thuế quan và kinh tế mới dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng đến tài sản của các gia tộc kinh doanh hàng đầu châu Á.
Trong khi gia tộc Ambani (hạng 1) của Ấn Độ đang thiết lập mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump khi tỷ phú Mukesh Ambani và vợ Nita đến tham dự lễ nhậm chức của vị tổng thống thì gia tộc Lee (hạng 10) của Samsung Electronics Co. ở Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu các chính sách thuế quan của ông Trumpkéo dài.
Theo ngân hàng Maybank Securities, các mức thuế này có thể thúc đẩy xu hướng “Trung Quốc + 1” khi đầu tư nước ngoài chuyển hướng sang Đông Nam Á. Mảng sản xuất thực phẩm của CP Group, do gia tộc Chearavanont ở Thái Lan (hạng 2) sáng lập, có thể là một trong những người hưởng lợi lớn.
Dưới đây là 10 gia tộc giàu nhất châu Á năm 2025 theo bảng xếp hạng của Bloomberg:
Gia tộc Ambani
![Ông Mukesh Ambani - nhà điều hành tập đoàn Reliance Industries. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/95666df35cbdb5e3ecac.jpg)
Ông Mukesh Ambani - nhà điều hành tập đoàn Reliance Industries. Ảnh: Reuters.
Công ty: Reliance Industries
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 90,5 tỷ USD
Tiền thân của “đế chế” Reliance Industries do ông Dhirubhai Ambani, cha của tỷ phú Mukesh và Anil Ambani sáng lập vào cuối những năm 1950.
Hiện ông Mukesh Ambani đang điều hành Reliance Industries, có trụ sở tại Mumbai, sở hữu khu tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới và đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực từ công nghệ, bán lẻ, cho tới năng lượng xanh. Các con của ông hiện đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong tập đoàn này.
Mukesh Ambani sống trong dinh thự 27 tầng, được coi là tư dinh đắt nhất thế giới. Ông cũng đi đầu trong lĩnh vực AI, robot và công nghệ cao tại Ấn Độ, đầu tư mạnh vào trung tâm dữ liệu, phần mềm doanh nghiệp và ứng dụng AI.
Gia tộc Chearavanont
![Ông Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group. Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/190ee39bd2d53b8b62c4.jpg)
Ông Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group. Ảnh: Bloomberg.
Công ty: Charoen Pokphand Group
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Thái Lan
Thế hệ hiện tại: Thứ 4
Tài sản: 42,6 tỷ USD
Năm 1921, sau khi rời khỏi ngôi làng bị bão lụt ở miền Nam Trung Quốc, ông Chia Ek Chor cùng anh trai thành lập một cửa hàng hạt giống tại Bangkok (Thái Lan) cửa hàng sau này phát triển trở thành Charoen Pokphand Group. Một thế kỷ sau đó, con trai của ông Chia, Dhanin Chearavanont, trở thành Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group - tập đoàn kinh doanh thực phẩm, bán lẻ và viễn thông.
Năm 2017, hai con trai của ông Dhanin lần lượt trở thành CEO và Chủ tịch của tập đoàn này. Năm 2020, cháu trai của ông Dhanin - Korawad, thành lập startup công nghệ Amity với khách hàng chính là công ty con của tập đoàn.
Gia tộc Hartono
![Ông Michael Hartono, đồng sáng lập Tập đoàn Djarum. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/3fdec24bf3051a5b4314.jpg)
Ông Michael Hartono, đồng sáng lập Tập đoàn Djarum. Ảnh: Reuters.
Công ty: Djarum, Bank Central Asia
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Indonesia
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 42,2 tỷ USD
Năm 1950, Oei Wie Gwan mua lại một thương hiệu thuốc lá và đổi tên thành Djarum. Công ty này giờ đây đã phát triển trở thành một trong những nhà sản xuất xì gà lớn nhất tại Indonesia. Sau khi ông qua đời năm 1963, các con trai đã mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư vào Ngân hàng Trung ương Châu Á (BCA), hiện là nguồn tài sản chính của gia đình.
Năm 2019, Djarum mua cổ phần của CLB bóng đá Italy Como 1907 khi đội bóng gặp khó khăn tài chính. Đến năm ngoái, Como 1907 đã trở lại giải đấu hàng đầu Serie A.
Gia tộc Mistry
![Cố tỷ phú Pallonji Mistry. Ảnh: Forbes.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/72328ea7bfe956b70ff8.jpg)
Cố tỷ phú Pallonji Mistry. Ảnh: Forbes.
Công ty: Shapoorji Pallonji Group
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Thế hệ hiện tại: Thứ 5
Tài sản: 37,5 tỷ USD
Gia tộc Mistry khởi nghiệp tại Ấn Độ năm 1865 khi ông nội của Pallonji Mistry hợp tác với một doanh nhân Anh để mở công ty xây dựng. Hiện nay, Shapoorji Pallonji Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật và xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn tài sản gia đình nằm dưới dạng cổ phần tại Tata Sons - công ty mẹ của Tata Group, tập đoàn trị giá 400 tỷ USD.
Sau khi Ratan Tata qua đời, Noel Tata tiếp quản Tata Trusts. Năm ngoái, Shapoorji Pallonji Group đưa công ty xây dựng Afcons Infrastructure lên sàn chứng khoán và huy động được 646 triệu USD.
Gia tộc Kwok
![Ông Walter Kwok (giữa), khi đó là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sun Hung Kai Properties, bên cạnh là các em trai, Raymond (trái) và Thomas, trong một cuộc họp báo ở Hong Kong năm 2007. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/9a6f65fa54b4bdeae4a5.jpg)
Ông Walter Kwok (giữa), khi đó là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sun Hung Kai Properties, bên cạnh là các em trai, Raymond (trái) và Thomas, trong một cuộc họp báo ở Hong Kong năm 2007. Ảnh: Reuters.
Công ty: Sun Hung Kai Properties
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Hong Kong (Trung Quốc)
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 35,6 tỷ USD
Năm 1972, người sáng lập “đế chế” bất động sản Sun Hung Kai Properties, ông Kwok Tak-seng, đã đưa công ty lên sàn chứng khoán. Từ đó, công ty này trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong và là nguồn tài sản chính của gia đình Kwok.
Sau khi qua đời năm 1990, ba con trai Walter, Thomas và Raymond cùng nhau tiếp quản. Tuy nhiên, ông Walter đã mất chức Chủ tịch công ty vào năm 2008 sau một cuộc tranh chấp với các anh trai Walter. Hiện Raymond giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tập đoàn.
Sun Hung Kai Properties đang phát triển dự án mới ở West Kowloon, trong đó UBS Group sẽ thuê trọn một tòa nhà 14 tầng để làm trụ sở cho toàn bộ nhân viên tại Hong Kong.
Gia tộc Tsai
![Ông Daniel Tsai, con trai của Tsai Wan-tsai - hiện điều hành Fubon Financial. Ảnh: CW.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/4181bf148e5a67043e4b.jpg)
Ông Daniel Tsai, con trai của Tsai Wan-tsai - hiện điều hành Fubon Financial. Ảnh: CW.
Công ty: Cathay Financial, Fubon Financial
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Đài Loan (Trung Quốc)
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 30,9 tỷ USD
Anh em nhà Tsai thành lập Cathay Life Insurance vào năm 1962. Đến năm 1979, gia đình chia tách công ty, với Tsai Wan-lin tiếp quản Cathay Life Insurance và Tsai Wan-tsai điều hành Cathay Insurance, sau này đổi tên thành Fubon Insurance. Hiện gia tộc Tsai sở hữu cổ phần tại hai tập đoàn tài chính lớn của Đài Loan và mở rộng hoạt động sang bất động sản, viễn thông.
Cathay United Bank, thuộc Cathay Financial, đang tăng cường nhân sự tại Singapore để hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á.
Gia tộc Jindal
![Ông Sajjan Jindal, Chủ tịch JSW Group. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/4ef04f657e2b9775ce3a.jpg)
Ông Sajjan Jindal, Chủ tịch JSW Group. Ảnh: Reuters.
Công ty: OP Jindal Group
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 28,1 tỷ USD
Om Prakash Jindal khởi đầu với một nhà máy thép nhỏ năm 1952 và phát triển thành OP Jindal Group - một tập đoàn đa ngành từ thép, năng lượng, xi măng đến thể thao. Khi qua đời trong tai nạn trực thăng năm 2005, ông đang giữ chức Bộ trưởng Năng lượng bang Haryana, Ấn Độ. Vợ ông, Savitri, tiếp quản vị trí Chủ tịch, trong khi bốn người con trai điều hành các mảng kinh doanh.
Sajjan Jindal dẫn dắt JSW Group đẩy mạnh đầu tư vào xe điện, năng lượng tái tạo và có thể mở rộng sang sản xuất đồng, nhôm. Trong khi đó, Naveen Jindal đang tập trung phát triển hydro xanh tại Jindal Steel.
Gia tộc Yoovidhya
![Tỷ phú Chalerm Yoovidhya, con trai của nhà sáng lập Chaleo Yoovidhya. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/177417e126afcff196be.jpg)
Tỷ phú Chalerm Yoovidhya, con trai của nhà sáng lập Chaleo Yoovidhya. Ảnh: Reuters.
Công ty: TCP Group
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Thái Lan
Thế hệ hiện tại: Thứ 2
Tài sản: 25,7 tỷ USD
Năm 1956, ông Chaleo Yoovidhya thành lập công ty dược phẩm T.C. Pharmaceutical, sau đó mở rộng hoạt động sang bán lẻ hàng tiêu dùng. Năm 1975, ông sáng chế thức uống tăng lực Krating Daeng, nghĩa là “bò đỏ” trong tiếng Thái.
Khi doanh nhân người Áo Dietrich Mateschitz tình cờ phát hiện sản phẩm này trong một chuyến công tác, ông đã hợp tác với Chaleo để điều chỉnh công thức và đưa Red Bull ra thị trường quốc tế. Thành công của thương hiệu này đã tạo nên khối tài sản khổng lồ cho hai gia tộc Yoovidhya và Mateschitz.
TCP Group dự kiến khởi động nhà máy thứ 3 tại Trung Quốc vào đầu năm 2025, hơn 30 năm sau khi mở nhà máy Red Bull đầu tiên tại nước này.
Gia tộc Birla
![Ông Kumar Birla, Chủ tịch Tập đoàn Aditya Birla của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/249d27081646ff18a657.jpg)
Ông Kumar Birla, Chủ tịch Tập đoàn Aditya Birla của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Công ty: Aditya Birla Group
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Thế hệ hiện tại: Thứ 7
Tài sản: 23 tỷ USD
Aditya Birla Group là một trong những doanh nghiệp gia đình lâu đời nhất Ấn Độ, với hoạt động trải rộng trong các ngành kim loại, dịch vụ tài chính và bán lẻ.
Ban đầu, công ty chỉ là một doanh nghiệp buôn bán bông vào thế kỷ 19, trước khi Ghanshyam Das Birla, phát triển thành một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất Ấn Độ. Hiện nay, cháu chắt của ông, Kumar Mangalam Birla là Chủ tịch của tập đoàn.
Birla đã gia nhập ngành trang sức và sơn vào năm ngoái. Chi nhánh viễn thông của tập đoàn - Vodafone Idea -, đang nỗ lực tái xuất và dự kiến triển khai dịch vụ 5G vào năm 2025.
Gia tộc Lee
![Ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung Electronics. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51470541/85028797b6d95f8706c8.jpg)
Ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung Electronics. Ảnh: Reuters.
Công ty: Tập đoàn Samsung
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Hàn Quốc
Thế hệ hiện tại: Thứ 3
Tài sản: 22,7 tỷ USD
Lee Byung-chull thành lập Samsung năm 1938, ban đầu là một công ty thương mại xuất khẩu trái cây, rau quả và cá. Ông gia nhập ngành công nghệ khi sáng lập Samsung Electronics năm 1969, công ty sau này trở thành nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Khi ông qua đời vào năm 1987, con trai thứ 3 - Lee Kun-hee - đã tiếp quản nghiệp đoàn của gia đình. Ông Lee Kun Hee qua đời vào năm 2020, sau nhiều năm nằm viện vì bệnh tim, để lại tập đoàn cho con trai Lee Jae-yong.
Sau nhiều năm đặt nền móng để có thể tiếp quản tập đoàn, ông Lee Jae-yong phải ngồi tù một thời gian vì cáo buộc hối lộ trong một bê bối liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Ông được tạm tha vào năm 2021 và được ân xá vào năm sau đó. Năm 2022, ông chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Samsung Electronics.
Với sự tập trung vào AI và Robot, Samsung hiện đầu tư vào hơn 200 công ty khởi nghiệp, trong đó có nhà sản xuất robot hình người Rainbow Robotics.