Tổng Bí thư Tô Lâm: Cân nhắc sắp xếp lại hệ thống thanh tra
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lại ý kiến trong chính ngành thanh tra: Thanh tra Chính phủ chỉ có 400 người nhưng năng suất, hiệu quả làm việc so với toàn bộ hệ thống thanh tra còn lại gấp hơn 1.000 lần.
Ngày 13-2, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
'Để Đại hội xong càng không làm được'
Phát biểu tại đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian chia sẻ về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra.
“Tôi nghĩ đây là một chủ trương rất đúng và cũng là mong đợi rất lâu rồi của người dân” - Tổng Bí thư nói và cho rằng tinh gọn tổ chức bộ máy không phải để tiết kiệm tiền, đấy là một phần, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước phát triển lên.
“Có đồng chí nói thôi để sau Đại hội, để nhiệm kỳ mới rồi sẽ làm, sẽ cải cách chứ làm thì va chạm lắm. Bây giờ tự nhiên sắp xếp lại, không biết là ai, bộ này bộ kia, nhiều tâm lý lắm, không làm được. Tôi nói để Đại hội xong càng không làm được, vừa Đại hội xong, vừa biểu quyết, vừa mới ra nghị quyết, ai làm khác được? Rất khó khăn” - Tổng Bí thư chia sẻ.
![Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51471279/9851d73ee6700f2e5661.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông khẳng định bây giờ là “thời cơ vàng” để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Làm xong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy để bước vào đại hội mới có thể tiếp tục tính toán được.
“Quá trình này, chúng tôi cũng nghiên cứu rất kỹ, từ lịch sử của chúng ta, nghiên cứu hệ thống kinh nghiệm của các nước. Nếu Chính phủ không hiệu quả, dân mất tín nhiệm là đổ ngay” - Tổng Bí thư nói.
Dẫn chứng việc sáp nhập Bộ KH&ĐT, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chúng ta rất vất vả để xóa được nền kinh tế bao cấp và đây là bước chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nhìn ra thế giới, ông cho biết chỉ hai nước có Bộ KH&ĐT là Việt Nam và Lào nhưng Lào cũng đã nhập bộ này vào Bộ Tài chính.
Hệ thống thanh tra hoạt động không hiệu quả
Chia sẻ thêm, Tổng Bí thư cho hay một số người đề xuất với ông việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra. Đây là vấn đề Bộ Chính trị chưa quyết, còn phải cân nhắc.
“Các đồng chí thanh tra nói hệ thống thanh tra hoạt động không hiệu quả. Thanh tra Chính phủ chỉ có 400 người nhưng năng suất, hiệu quả làm việc so với toàn bộ hệ thống thanh tra còn lại gấp hơn 1.000 lần” - Tổng Bí thư cho hay.
Ông đặt vấn đề nếu để thanh tra chuyên ngành, thanh tra chính quyền cơ sở thì phải có biện pháp gì để họ làm? Không phải khi có việc thì thanh tra xuống làm, phát hiện ra (sai phạm) nhưng lại “phạt để cho tồn tại”. “Thanh tra đâu phải làm việc đó, phải chấn chỉnh lại, phải rút kinh nghiệm” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng cho hay có ý kiến nói lãnh đạo mà không có thanh tra, kiểm tra thì quản lý thế nào? “Không có thanh tra nhưng vẫn có quyền kiểm tra, đánh giá” - ông nêu rõ thanh tra không phải bộ máy hành chính để thỉnh thoảng đến làm những việc không hiệu quả.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề phải nâng cao hiệu quả của thanh tra chuyên ngành nhưng bộ máy nào cũng có thanh tra chuyên ngành cũng không được. Dẫn chứng thanh tra ngành giáo dục hiện có mấy nghìn người, ông cho rằng “nuôi” bộ máy này cũng là vấn đề.
“Chúng tôi sẽ tính việc này để làm sao đáp ứng yêu cầu, hiệu quả, phải thực sự thiết thực, thực sự phục vụ Nhân dân. Không phải để bộ máy này đi làm, thỉnh thoảng xuống dọa nạt chỗ này, chỗ kia, như vậy không được. Vì vậy phải cải cách, phải nhìn thẳng vào thực tế để tính toán” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay vừa qua, khi tính toán hợp nhất một số bộ, có ý kiến nêu “bộ tôi 50-60 năm truyền thống tự nhiên chả còn tên”.
Theo Tổng Bí thư, trước đây chúng ta cũng đã cải cách rất nhiều, như Bộ NN&PTNT do 6-7 bộ sáp nhập lại, gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, công nghiệp thực phẩm… Hay Bộ Công Thương cũng là tám bộ nhập lại, không thể kể hết những công việc đó, thể hiện trong tên gọi của bộ.
“Chức năng trong bộ máy nhà nước giải quyết như thế nào chứ không phải bây giờ bộ (mới) cứ phải cộng thêm vào đầy đủ những tên như thế. Chúng tôi phải mạnh dạn, phải nhìn nhận để phải làm sao cho thật hiệu lực, hiệu quả” - Tổng Bí thư nói.