10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng của lòng dân

Ngày 4/10/2023 là 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2013 - 2023). Một đời làm báo, có lẽ mãi tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tác nghiệp về sự kiện Đại tướng mất.

Những người làm báo ai cũng cũng muốn viết về Đại tướng bằng tấm lòng kính yêu của mình. Tôi là người làm báo ở Quảng Bình, vì vậy càng muốn dành biết bao tình cảm với Đại tướng, và ghi lại những cảm xúc của người dân với Đại tướng ngày ấy…

Cảnh sắc ở vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ.

Cảnh sắc ở vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ.

Đã 10 năm rồi mà tôi vẫn nhớ về ngày ấy ở xóm nhỏ An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm bên dòng sông Kiến Giang. Những ngày đầu tháng 10 ấy, dòng Kiến Giang vẫn còn đục ngầu phù sa sau cơn bão số 10. Sáng ngày 5/10/2013 bỗng cả xóm An Xá trầm lắng hẳn trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Khi chúng tôi đặt chân tới nhà lưu niệm của Đại tướng để viết tin bài tưởng niệm Đại tướng, thấy người dân thôn An Xá và Lộc Thủy, bằng tất cả tấm lòng yêu kính của mình với Đại tướng, đã tự dọn nhanh những rều rác, lá cây cối gãy đổ còn vương lại trước ngõ nhà mình và trên đường vào nhà lưu niệm Đại tướng, có lẽ mọi người đều biết rằng, sẽ có rất nhiều người từ khắn nơi sắp tới đây để thắp hương.

Đại tướng được đồng đội tôn vinh là “anh cả” của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Điều đó hẳn nhiên ai cũng biết từ lâu nay rồi. Nhưng ở thôn An Xá, ở xã Lộc thủy, ở huyện Lệ Thủy thì người dân vẫn luôn coi Đại tướng là Đại tướng của người dân quê nhà. Có lẽ vậy nên khi có tin Đại tướng mất, mọi người ai cũng thấy hụt hẫng một điều gì đó trong tâm can mình. Dù chưa tới lúc thăm viếng Đại tướng, nhưng từ sáng sớm người dân trong xã, trong huyện đã đến nhà lưu niệm Đại tướng ở thôn An Xá, với mong muốn được thắp nén tâm hương lên bàn thờ Đại tướng đang được bà con họ hàng của Đại tướng sắp đặt. Nhiều chị, nhiều bà trong thôn An Xá chuẩn bị sẵn ảnh Đại tướng từ khi nào, đã ôm ảnh trước ngực tới đứng trước nhà lưu niệm. Nhiều người mắt ầng ậng nước...

Nước mắt chân thành và tôn kính của người dân quê nhà Đại tướng đã rơi trước sự ra đi của một người con của dân làng, mà hình ảnh vốn đã in hằn vào tâm khảm mỗi người hơn nửa thế kỷ qua. Bà Lê Thị Hành, thời điểm đó đã 90 tuổi, khi chúng tôi mới cất lời hỏi thăm đường về nhà Đại tướng liền khóc, lau nước mắt lã chã trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà ôm lấy vai tôi, nghẹn ngào mãi mới thốt nên lời: “Mệ (bà) biết là tuổi đã già thì cuối cùng rồi ai cũng phải ra đi thôi chớ sống mãi răng. Nhưng mà khi nghe nói bác Giáp mất rồi thì mệ rất thương. Mệ đang chuẩn bị gọi bạn bè của mệ từ ngày xưa tập trung lại để cùng viếng bác ấy một thể”.

Bà Hành nhớ kỹ lắm những lần Đại tướng về thăm quê nhà. Bà kể: “Nhà tui ở gần nên khi mô bác Giáp về tui cũng tới cả. Tui sướng nhất là bác ấy đã không khi mô quên tên của tui. Năm 2004, khi bác Giáp về thăm quê, tui qua gặp bác ấy, tui hỏi: Bác còn nhớ tui nữa không? Bác ấy nhìn tui rồi nói là bà Hành nhà ở ngoài bờ sông chớ ai!”.

Ngày 5/10/2013 ấy, tôi còn gặp ông ông Lê Thanh Châu - đại tá, cựu chiến binh trên chiến trường Quảng Trị những năm 1972. Ông Châu ngồi trong căn nhà bên sông Kiến Giang, không dấu được vẻ buồn bã. Trên bàn uống nước của ông đặt trang trọng một bức ảnh chân dung Đại tướng. Ông Châu có một tấm ảnh đen trắng đã không còn rõ nét lắm treo trang trọng trên tường nhà. “Tấm ảnh ni tui coi như báu vật của đời, tui giữ mãi từ ngày đó đến chừ...” - ông Châu thổ lộ bằng một giọng run run và đôi tay cầm chiếc gậy cũng run run theo từng lời nói. Đó là năm 1977, lúc ấy ông là phó chính ủy Tỉnh đội Quảng Trị, khi Đại tướng vào thăm Quảng Trị, ông cùng đi trong đoàn cán bộ tỉnh đội tháp tùng Đại tướng thăm một đơn vị quân đội. Không biết may mắn thế nào mà ông lại lọt vào trong khuôn hình một bức ảnh mà ai đó chụp Đại tướng đang nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ. Sau đó ông tình cờ thấy được mình trong tấm ảnh đó và đã chụp lại, lưu giữ trân trọng đến bây giờ. Khi chúng tôi xin được đưa tấm ảnh xuống để chụp lại, ông ngần ngừ, như e ngại một điều gì đó. Vợ ông thì lật đật chạy từ trong phòng ngủ ra, chẳng khách khí gì, nói: “Ông không cho ai mượn đưa đi ra khỏi nhà mô, ông sợ lỡ mần mất của ông đi thì mần răng?”.

Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh ông Nguyễn Thanh Hoanh sáng ấy ở xã Lộc Thủy. Ông kể mới 5h sáng ngày 5/10/2013, ông đã chạy xe máy vượt hơn 40km từ TP Đồng Hới vào nhà lưu niệm Đại tướng để thắp hương viếng. Ông bảo từ khi trời chưa rạng ông đã dậy và nhờ con vào mạng xem tin Đại tướng mất chiều hôm qua có thật không. Khi con ông bảo báo đã đưa tin Đại tướng mất rồi, “Tim tôi như ngừng đập, tôi không khóc mà nước mắt cứ tự trào... Bởi Đại tướng mất như chính người thân mình mất đi vậy!” - ông Hoanh bộc bạch với nỗi lòng tôn kính chân thành.

Ông kể năm 1973, trong lúc công việc rất nhiều, tình hình chiến tranh căng thẳng, Đại tướng vẫn đi sang Lào để thăm anh em bộ đội tình nguyện Việt Nam. Sang đó thấy cảnh chị em ta vất vả, Đại tướng dặn đoàn là phải ưu tiên quan tâm, chăm lo trước hết cho chị em trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 33 thuộc Binh trạm 14, đoàn 559. Đại tướng có mang sang 100 bánh xà phòng, một súc vải màn chống muỗi và rất nhiều túi có bồ kết trong đó và đưa tặng chị em. Lúc đó ông Hoanh là lính công binh của binh trạm này. Thấy vậy ông rất kính trọng Đại tướng. Ông Hoanh kể: “Chỉ là lính trơn thôi nhưng tôi vẫn được Đại tướng bắt tay, hỏi han mọi điều. Khi bắt tay tôi Đại tướng nhìn khắp người tôi như ngắm nghía xem sức vóc tôi ra sao giữa chiến trường ác liệt. Rồi Đại tướng dặn anh em bộ đội chúng tôi: Khi đánh nhau mà bắt được tù binh thì phải đối xử đàng hoàng, cho ăn uống như bộ đội mình... Chúng tôi nhớ lời dặn ấy trong suốt cuộc chiến tranh”.

Cũng trong ngày 5/10/2013 ấy, không chỉ có người dân quê hương Đại tướng thương tiếc, chúng tôi còn thấy bà Nguyễn Thị Ngọc Khoa trú ở TP Huế, khi nghe tin Đại tướng mất, bà đã cùng vợ chồng người em ruột mới từ TP.HCM ra chơi, cả nhà tức tốc thuê xe ra ngay quê nhà Đại tướng để thắp hương viếng. Bà Khoa cứ vuốt tay lên bức tượng Đại tướng đặt trong nhà lưu niệm mà khóc nức nở. Bà Khoa tâm sự: “Vợ chồng người em gái từ TP.HCM ra, tất cả đang định đi ra Quảng Bình du lịch, có lịch trình ghé thăm nhà Đại tướng với niềm vui, ai ngờ lại nghe tin Đại tướng mất rồi, nay lại ghé nhà Đại tướng để thắp hương…”. Gia gia đình bà Khoa sống ở Huế, nhưng là người cùng quê xã Lộc Thủy với Đại tướng. Mỗi lần nghe tin Đại tướng về thăm quê là bà cố gắng từ Huế ra quê cho bằng được. Bà Khoa cho biết: “Vậy nhưng do đông người quá nên tôi chưa có lần mô được gặp trực tiếp bác Giáp cả. Khi sống tôi chưa gặp được bác Giáp lần mô thì ngày mai hoặc ngày tê tôi sẽ ra Hà Nội, chỉ là để được thắp một nén hương viếng trực tiếp bác ấy cho thỏa nguyện tâm can mình...”.

Ông Phạm Ngãi ở Nghệ An đưa chùm khế ở nhà lưu niệm Đại tướng tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy về quê nhà Nghệ An.

Ông Phạm Ngãi ở Nghệ An đưa chùm khế ở nhà lưu niệm Đại tướng tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy về quê nhà Nghệ An.

Tình cảm sâu sắc của mọi người đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vô tận, với nhiều cách biểu cảm khác nhau. Nhưng sao tôi cứ nhớ mãi tình cảm của ông Phạm Ngãi, quê ở làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), trong một lần gặp ông ở nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), khi Đại tướng chưa mất. Đó là vào một lần sinh nhật của Đại tướng. Khi thăm nhà lưu niệm Đại tướng, tôi để ý đến một vị khách, đó là ông Ngãi, vì thấy ông cứ quanh quẩn mãi bên gốc cây khế trong vườn nhà Đại tướng với vẻ mặt nhiều băn khoăn. Thấy tôi, ông hỏi là có thể hái một chùm quả khế được không? Tôi bảo ông vào hỏi xin ông Võ Đại Hàm - người cháu họ của Đại tướng, đang trông coi nhà lưu niệm - xem sao. Lát sau, ông Ngãi hớn hở đi ra vườn, vói tay nhẹ nhàng hái một chùm quả khế ở cành thấp nhất trên cây khế gần 100 năm tuổi. Hái xong ông vào nhà, tay nâng niu chùm khế. Tưởng ông sẽ ăn những quả khế ấy, nhưng không phải. Ông Ngãi bảo: “Tôi muốn đưa chùm khế này ra quê tôi ở làng Sen. Một nửa đặt lên bàn thờ Bác Hồ ở làng Sen, chung với chùm khế sẽ hái ở quê nhà Bác Hồ. Một nửa tôi đặt lên bàn thờ nhà mình, nói với tổ tiên đây chính là chùm khế được hái từ vườn nhà Đại tướng. Tôi kính trọng Đại tướng, là người học trò ưu tú của Bác Hồ”. Sau đó tôi có gọi điện thoại cho ông Ngãi, hỏi xem ông có đưa được chùm khế ra quê không. Rất vui vẻ, ông Ngãi cho biết là trên chặng đường đi xe ôtô ra nhà hơn 300km, ông đã giữ an toàn chùm khế hái ở vườn nhà Đại tướng.

Thế mới biết tấm lòng của người dân quê nhà Đại tướng và người dân Việt Nam đối với Đại tướng sâu nặng và tôn kính biết nhường nào...

Người dân luôn hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tấm lòng biết ơn, thành kính.

Người dân luôn hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tấm lòng biết ơn, thành kính.

Gần 10 năm qua, Đại tướng yên nghỉ ở vùng đất vũng Chùa - đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vùng đất rất đẹp: phía đông nam là biển Đông, có đảo Yến như tấm bình phong giữa biển trời che trước mặt. Phía tây bắc là núi Mũi Rồng như tấm lưng vững chãi của Đất Nước Việt Nam mà Đại tướng đã suốt một đời góp công gìn giữ... Vũng Chùa - đảo Yến, đứng ở đầu chót đèo Ngang nhìn về phía nam có thể thấy rõ cảnh sắc của vùng biển ở Mũi Rồng. Đèo Ngang, Vũng Chùa tạo nên một quần thể non nước rất hữu tình, với núi vươn ra tận biển, sông và đường uốn lượn dưới chân đèo và biển luôn thấp thoáng những con thuyền...

Lam Giang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/10-nam-ngay-mat-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-dai-tuong-cua-long-dan-c8a61367.html