10 năm nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng

10 năm qua, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập đến nay, Kiên Giang phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực; thu hồi nhiều tài sản tham nhũng. Kinh nghiệm trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở tỉnh ta được đúc rút từ thực tiễn giúp công tác này ngày càng hiệu quả hơn...

Bài 1: Bài học không thể quên

Trong nhiều vụ sai phạm liên quan đến tham nhũng, vụ việc xảy ra liên quan đến cán bộ hải quan có lẽ đau xót nhất khi 33 cán bộ ngành hải quan của tỉnh bị khởi tố...

MẤT MÁT QUÁ LỚN

Vụ án xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Giang Thành (Kiên Giang) diễn tiến qua 2 giai đoạn. Trong 33 cán bộ bị khởi tố, cao nhất lãnh 6 năm tù, thấp nhất được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. “Qua điều tra, truy tố, xét xử, từng nội dung sai phạm được làm rõ, trách nhiệm thuộc về cán bộ nào cũng đã có. Vụ việc là bài học xương máu cho ngành hải quan của tỉnh, chúng tôi rút kinh nghiệm và bài học cho cả ngành”, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang Trương Minh An cho biết.

Từ khi vụ án kết thúc đến nay, hàng năm, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng trong nội bộ, kế hoạch khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau khi đảng bộ bị yếu kém và kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Ngành hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tiếp nhận hồ sơ giải quyết công việc trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi quản lý chặt quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức được phân công, giao nhiệm vụ tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, thực hiện nghiêm chuyển đổi vị trí công tác. Đơn vị không bố trí người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng”, đồng chí Trương Minh An cho biết.

Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, những lỗ hổng trước đây tạo điều kiện cho cán bộ và doanh nghiệp làm sai được bịt kín. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên Trần SoNy cho biết: “Mỗi ca trực 5 người được đơn vị thay đổi mỗi ngày. Tất cả cán bộ đều có thể làm được ở các bộ phận khác nhau như hành chính, trực cửa khẩu, kiểm tra hồ sơ, kiểm hóa, giám sát…”.

Các lô hàng của doanh nghiệp được kiểm tra với tỷ lệ theo quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan. Các biện pháp kỹ thuật trong giám sát, phòng vệ được đơn vị triển khai chặt chẽ, không để xảy ra rủi ro. “Công tác cán bộ, bố trí cán bộ rất quan trọng, chúng tôi tăng cường giáo dục đạo đức cán bộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ phụ trách vị trí nhạy cảm để ngăn chặn không cho xảy ra tiêu cực”, đồng chí Trần SoNy cho biết.

Đồng chí Nguyễn Tuyết Nhung - công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: “Mỗi cán bộ phải xoay vòng thực hiện công việc ở đơn vị. Cán bộ có kinh nghiệm dễ nhận biết từng xe tải hàng, doanh nghiệp chuyển giá, đổi giá hay có rửa tiền hay không… để có cách giám sát chặt chẽ, hạn chế xảy ra sai phạm”.

HẬU QUẢ KHI CHƯA CÔNG KHAI, MINH BẠCH

Cách đây không lâu, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nhận bản án 24 năm tù về tội tham ô tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hiệu trưởng chỉ đạo thủ quỹ của trường bàn giao các nguồn thu ngoài ngân sách để tự chi trả không đúng quy định, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng từ các nguồn tiền bán trú, bồi dưỡng cho giáo viên, bán đồng phục cho học sinh, cho thuê mặt bằng căn tin và tiền vận động khen thưởng từ phụ huynh.

Lãnh đạo, cán bộ Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp cho quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Lãnh đạo, cán bộ Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp cho quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Nói về nguyên nhân xảy ra sai phạm thời gian qua tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, hầu hết giáo viên cho rằng nguyên nhân chính từ việc thiếu công khai, minh bạch trong các hoạt động của trường. Các khoản thu, chi tài chính, quyền lợi, chính sách cho giáo viên không được lãnh đạo trường công khai cho tập thể biết để kiểm tra, giám sát.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc Nguyễn Trọng Hưng cho biết: “Từ khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đến nay tôi cùng chi ủy, ban giám hiệu trường xây dựng quy chế, quy định rõ ràng, công khai hàng tháng các khoản thu, chi; thảo luận, thống nhất trong nội bộ, tập thể trường các vấn đề cần lấy ý kiến hoặc công khai”.

Sau khi những sai phạm được chỉ ra, ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc khắc phục hạn chế và quán triệt không được thu bất cứ các khoản tiền gì ngoài quy định của Nhà nước. Việc sửa chữa, mua sắm, chi tiêu, xây dựng dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ… được lấy ý kiến tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi ban hành hoặc thực hiện. Theo đồng chí Nguyễn Anh Thư - đảng viên, giáo viên của trường, trước đây các khoản thu, chi không được công khai, minh bạch, giờ các khoản thu, chi đều rõ ràng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở trường được ban giám hiệu thực hiện rất tốt, vì vậy tạo đồng thuận trong tập thể giáo viên.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, 10 năm qua (từ năm 2013 đến nay), cơ quan công an điều tra, khởi tố 48 vụ, 81 bị can, trong đó có 69 bị can tội tham nhũng. Số tiền bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khoảng 123 tỷ đồng.

Các vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh phức tạp, thủ đoạn của đối tượng tham nhũng tinh vi, có cả ở khu vực công và khu vực tư. Đối tượng tham nhũng đều là người có chức vụ, quyền hạn, có kinh nghiệm, đã qua nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý, có trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn cao. Hầu hết trường hợp sai phạm do kém tu dưỡng, rèn luyện, học tập… dẫn đến biến chất, suy thoái, cố tình sai phạm dẫn đến tham nhũng...

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh mang lại những dấu ấn hết sức đậm nét trong 10 năm qua và chính điều này càng cổ vũ, động viên cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tham gia vào công cuộc chung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Bài và ảnh: TÂY HỒ

►10 năm nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng - Bài 2: “Nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xay-dung-dang/10-nam-nhin-lai-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-11864.html