10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ: Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ và toàn diện
Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục, cũng như tầm nhìn phát triển bền vững đất nước trong trước mắt, cũng như lâu dài.
Ngày 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục, cũng như tầm nhìn phát triển bền vững đất nước trong trước mắt, cũng như lâu dài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết. Sau 10 năm triển khai, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, giáo dục và đào tạo đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông mới đã chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn...
Quá trình tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.
Tiếng nói từ cơ sở
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, sau 10 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, đến nay, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, tạo nên sự phát triển vững chắc cho ngành Giáo dục Thủ đô.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc triển khai Nghị quyết, ông Trần Thế Cương đề nghị, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên…
Nhận định rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ thời gian qua đã gỡ nhiều nút thắt cho giáo dục đại học, trong đó có cơ chế tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp. Việc triển khai tự chủ đại học còn thiếu lộ trình rõ ràng, một số trường e ngại thực hiện, có trường hiểu sai và lúng túng về nội dung này. Từ thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát hệ thống văn bản; xem xét xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học để thúc đẩy tự chủ, tăng cường giám sát của Nhà nước...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đề xuất Bộ nghiên cứu bổ sung, huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết, bởi thực tế cho thấy, các trường trong quân đội đào tạo không chỉ góp phần bổ sung nhân lực cho xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng khẳng định, thời gian qua, giáo dục thường xuyên, giáo dục mở, công nghệ giáo dục, giáo dục cho người dân, học tập suốt đời được quan tâm hơn. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết hiệu quả, Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đề nghị báo cáo đề cập thêm nội dung xã hội hóa giáo dục, giáo dục thường xuyên, giáo dục mở, học tập cho người lớn.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương còn đưa ra một số đề xuất, kiến nghị khác như: Mở rộng trường mầm non công lập; tăng năng lực chuyên môn và thu nhập cho giáo viên; tích cực giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên; chú trọng xây dựng văn hóa học đường...