10 sự kiện điểm nhấn vẽ nên bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2023
Năm 2023, thế giới được bao trùm bởi tông màu tươi sáng, dù vẫn còn đó những gam màu ảm đạm. Báo Biên phòng xin giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2023 do truyền thông quốc tế bình chọn.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm
Năm 2023, hậu quả dai dẳng của đại dịch Covid-19 cùng hàng loạt cuộc xung đột, bất ổn chính trị ở nhiều khu vực đã bao trùm sắc màu ảm đạm lên bức tranh toàn cảnh nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, “cơn địa chấn” tài chính từ việc 3 ngân hàng Mỹ và 1 ngân hàng của Thụy Sĩ sụp đổ, khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều nỗ lực hỗ trợ phục hồi kinh tế bị trì trệ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng 2,9%, giảm so với mức tăng trưởng 3,3% của năm 2022.
Nỗi đau từ thảm họa thiên nhiên
Năm 2023, không khí đau thương phủ bóng nhiều quốc gia vì các thảm họa thiên nhiên tăng mức độ trầm trọng. Điển hình như trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Trung Quốc đã khiến hơn 50 nghìn người thiệt mạng; lũ lụt tàn phá Lybia làm hơn 10 nghìn người thiệt mạng...
Bên cạnh là năm có nhiều thiên tai nhất trong lịch sử, năm 2023 cũng ghi nhận kỷ lục về nắng nóng. Cộng đồng quốc tế chung khẳng định, biến đổi khí hậu diễn biến rất nguy cấp và ảnh hưởng đến tất cả quốc gia, đòi hỏi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải được cân nhắc hậu quả dài hạn đối với môi trường.
Các “dấu mốc” mới về gắn kết đa phương
Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, năm 2023 là năm “bội thu” của chủ nghĩa đa phương với hàng loạt sự kiện lịch sử gắn kết giữa các quốc gia, mở rộng các tổ chức quốc tế. Nổi bật như Liên minh châu Phi được kết nạp vào Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Nhóm 5 nước BRICS kết nạp thêm 6 nước đang phát triển; Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ký kết hiệp ước mới; Saudi Arabia và Iran bình thường hóa quan hệ...
Những sự kiện này là minh chứng rõ nét cho việc chủ nghĩa đa phương ngày càng được thúc đẩy, thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới phù hợp với thực tiễn.
Thượng đỉnh Mỹ - Trung
Liên quan tới một nỗi lo của thế giới, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc năm 2023 đã “hạ nhiệt”. Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trong đó tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với biến đổi khí hậu.
Dù một số bất đồng giữa hai nước được cải thiện, song xu hướng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực và tại các khu vực trọng yếu vẫn được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản
Tháng 5/2023, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản - nơi đầu tiên trên thế giới hứng chịu sự tàn phá của bom nguyên tử.
Hội nghị đã công bố Tầm nhìn Hiroshima về giải trừ vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh rằng, hội nghị lần này là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Châu Phi lo ngại làn sóng đảo chính
Năm 2023, 2 cuộc đảo chính do lực lượng quân sự cầm đầu đã xảy ra ở Niger và Gabon. Hai sự kiện này đã nối dài làn sóng đảo chính tại châu Phi vốn đã diễn ra suốt 70 năm qua. Hai vụ đảo chính mới nhất đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy yếu thể chế dân chủ ở lục địa này, tác động tiêu cực đến kinh tế, sự chia rẽ và gia tăng nguy cơ khủng bố.
AI phát triển vượt bậc
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện và ứng dụng nhỏ lẻ từ lâu, nhưng năm 2023, AI đã phát triển và lan tỏa một cách vượt bậc. Sau khi Chat GPT được đưa đến tay người dùng, hàng loạt ứng dụng AI khác được đưa ra, “ngập tràn” trong mọi ngóc ngách đời sống, từ các lĩnh vực quản lý, kinh doanh cho tới giải trí.
Tự do phát triển gắn liền với thắt chặt kiểm soát AI cũng vì vậy trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong hầu hết chương trình nghị sự lớn nhất của thế giới.
COP28 đạt thỏa thuận lịch sử
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) ngày 13/12 đã đạt bước tiến lịch sử khi thông qua thỏa thuận đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Từ thỏa thuận này, nhân loại chính thức khởi đầu cho kỷ nguyên từ bỏ năng lượng hóa thạch để bảo vệ trái đất trước tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ấn Độ ghi dấu mốc chinh phục vũ trụ
Bên cạnh sự kiện trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, ngày 23/8, Ấn Độ đã lần đầu tiên đổ bộ thành công tàu vũ trụ xuống cực Nam của mặt trăng. Theo đó, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đổ bộ lên mặt trăng, sau Mỹ, Liên Xô (cũ) và Trung Quốc. Tàu vũ trụ Ấn Độ đổ bộ thành công xuống “vùng tối của mặt trăng” thể hiện rõ nét sự sôi động của cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ.
Thế giới chính thức vượt qua đại dịch Covid-19
Ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đại dịch Covid-19. “Cột mốc” này chính thức khép lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua. Trong khoảng 3 năm bùng phát ghi nhận, đại dịch khiến hơn 765 triệu trường hợp nhiễm, gần 7 triệu người tử vong.
Đại dịch đi qua nhưng hệ lụy vẫn còn, đòi hỏi thế giới phải có cuộc cải thiện quy mô lớn về năng lực đối phó với các siêu đại dịch và xử lý các hậu quả đi kèm về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội...