10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2023
Năm 2023 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong ngành giáo dục như: 10 năm đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; 'chốt' phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025,... Bên cạnh những thành tựu đạt được, năm 2023 cũng là năm ngành giáo dục cũng gặp nhiều thách thức.
Cùng Tạp chí Trẻ em Việt Nam nhìn lại một số sự kiện tiêu biểu nhất của ngành giáo dục trong năm 2023.
1. Nhiều bước phát triển mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Sau 10 năm đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ; hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; Chương trình Giáo dục phổ thông mới được triển khai, tập trung phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; Đồng thời, lần đầu tiên triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách…
2. “Chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Mới đây, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT công bố. Phương án này nằm trong tổng thể lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới. Theo đó, kể từ kỳ thi năm 2025, thí sinh chỉ cần làm 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12. Việc Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc khiến dư luận lo ngại chất lượng dạy và học ngoại ngữ liệu có đi xuống.
3. Nhiều bất cập, hạn chế đổi mới sách giáo khoa
Hàng loạt tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông được chỉ ra, cụ thể, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm. Trong khi đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian; Giá sách giáo khoa mới tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ… Đặc biệt, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
4. Nở rộ dạy học liên kết trong trường học
Tiếng Anh liên kết, STEM liên kết, Tin học liên kết… vô cùng nở rộ trong những năm qua. Nhiều trường “chèn” môn liên kết vào lịch chính khóa khiến nhiều phụ huynh cho rằng điều này không khác gì là xé rào tổ chức dạy thêm ngay trong trường học. Trước phản ứng của phụ huynh, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc chèn môn liên kết vào giờ học chính là làm sai chương trình phổ thông mới, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy học liên kết vào giờ chính khóa vẫn âm thầm được nhiều trường triển khai trên danh nghĩa “tự nguyện”.
5. Lạm thu trường học và trách nhiệm của người đứng đầu
Năm 2023, vô số các trường học từ các tỉnh thành như Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Phú Thọ,... bị phụ huynh "điểm danh" vì có dấu hiệu lạm thu núp dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi vấn nạn "lạm thu" trong trường học năm nào cũng xảy ra vậy thanh tra Bộ GD-ĐT đang ở đâu? Việc Bộ GD-ĐT chỉ ra văn bản mà thiếu kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương, hay việc hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu - chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở rút kinh nghiệm… liệu đủ sức răn đe, cảnh báo?
6. Nhức nhối nạn bạo lực học đường
Trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, trong 3 năm học qua cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh. Vụ việc một nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn bạo hành tới mức phát bệnh tâm thần hay một nữ sinh trường THCS Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) bị đánh phải nhập viện điều trị cũng như nhiều vụ việc khác tiếp tục gióng lên hồi chuông về bạo lực học đường cũng như giáo dục đạo đức học sinh. Đáng buồn hơn, vụ việc một nữ giáo viên trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) bị một nhóm học sinh dồn vào góc tường, xúc phạm cho thấy giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường cần phải có giải pháp để ngăn chặn.
7. Cắt xén khẩu phần ăn của học sinh
Những ngày cuối năm, hình ảnh 11 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) ăn chung 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm trắng trong khi suất ăn sáng của các em là 1 gói mì tôm và 1 quả trứng thực sự khiến dư luận đau lòng, xót xa và bức xúc. Thực tế, không chỉ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, trước đó, không ít vụ việc liên quan đến cắt xén khẩu phần ăn của học sinh bị phụ huynh và báo chí lên tiếng.
8. Học sinh Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn trên “đấu trường” quốc tế
Năm 2023 là năm gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, khu vực và Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. Cụ thể, trong năm, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế, tất cả học sinh của các đoàn học sinh dự thi đều đạt giải với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Việt Nam tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của học sinh mà còn khẳng định chính sách đúng đắn, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
9. Cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” lần thứ nhất
Cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” lần thứ nhất, với chủ đề “Luyện nét chữ, rèn nết người” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam phối hợp với VPP ERAS Việt Nam tổ chức với ý nghĩa tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh tham gia. Qua đó, rèn luyện tính cách kiên trì, tập trung, cẩn thận, trình bày khoa học, chỉn chu, tạo tiền đề cho sự phát triển bản thân của các em trong tương lai. Cuộc thi tiếp nhận hơn 80.000 bài dự thi, hơn 60.000 video, gần 200.000 hình ảnh bài viết của thí sinh ở 45 tỉnh/thành phố gửi về hưởng ứng cuộc thi.
10. Cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” năm 2023
Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Ngôi nhà mơ ước” được phát động với thông điệp, mong muốn trẻ em dù ở bất cứ nơi đâu đều được sống trong những mái nhà hạnh phúc, ấm áp, đầy đủ điều kiện sống và phát triển. Hơn 13.000 tác phẩm của hơn 10.000 thí sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc đã được gửi tới cuộc thi. Đằng sau mỗi tác phẩm đều chứa đựng những câu chuyện, mong muốn ý nghĩa thông qua nét vẽ của trẻ thơ.
Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/10-su-kien-giao-duc-tieu-bieu-nam-2023-d3776.html