10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024

Bộ Tài chính đã lựa chọn và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tài chính.

Năm 2024, ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành chính sách tài khóa hợp lý, linh hoạt góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài chính đã lựa chọn và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tài chính:

1. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

2. Thu ngân sách nhà nước về đích sớm và vượt cao so với dự toán

Ước thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% dự toán.

3. Ngành Tài chính quyết liệt chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý tài chính ngân sách

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-BTC về Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính đảm bảo phù hợp với mục tiêu “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”...

 Sự kiện ra mắt ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, một trong những điểm nhấn của ngành Tài chính năm 2024. Ảnh: M.T

Sự kiện ra mắt ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, một trong những điểm nhấn của ngành Tài chính năm 2024. Ảnh: M.T

4. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả

5. Tạo đột phá về thể chế kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách

Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Đặc biệt, chiều ngày 29-11-2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 Luật sửa 9 Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc sửa đổi, bổ sung 9 Luật này đã kịp thời tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát hiệu quả nợ công.

6. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam năm 2024 được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực

Cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody’s, S&P và Fitch) đều đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thuận lợi trong trung, dài hạn. Nợ Chính phủ ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng (34% GDP so với mức trung bình BB là 53% GDP).

7. Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của Bộ Tài chính

Ngày 28-11, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thắng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP

Trước đó, chiều ngày 26-8, tại Kỳ họp bất thường lần thứ tám, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV.

8. Ngành Tài chính chủ động sẵn sàng cho tổng kiểm kê tài sản công từ 1-1-2025

9. Phát triển thị trường tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững, tăng cường hợp tác tài chính quốc tế

Tính đến ngày 27-12-2024, chỉ số VNIndex đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục phục hồi, năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng; có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch TPDN đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng.

Năm 2024 cũng ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét của ngành Tài chính với chuỗi Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản (tháng 3-2024), Australia và Singapore (tháng 8-2024).

10. Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát

Chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%).

CHÂN LUẬN - MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-nganh-tai-chinh-nam-2024-post827815.html