10 tháng mới giải ngân được trên 51% kế hoạch vốn đầu tư công
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 9 tháng và ước thực hiện 10 tháng kế hoạch năm 2022. Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của cả nước vẫn đang đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao, cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến 10 tháng giải ngân đạt trên 51% kế hoạch
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 là trên 249.289 tỷ đồng, đạt trên 38% kế hoạch (trên 641.288 tỷ đồng) và đạt 42,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 580.046 tỷ đồng).
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10/2022 là trên 297.774 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đang đạt thấp so với kế hoạch vốn giao năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 48% kế hoạch và đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn gần 41.000 tỷ đồng vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2022, chiếm trên 7% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao chưa được phân bổ chi tiết. Đồng thời, với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, hiện còn 4 địa phương chưa giao hết vốn.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tháng 10/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bổ sung từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là trên 38.155 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm vốn cho nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn là trên 19.570 tỷ đồng; vốn cho các nhiệm vụ không phải dự án đầu tư là gần 18.585 tỷ đồng). Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10/2022, nên chưa giải ngân được, do vậy đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn giao.
Nhận xét về tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (trên 99,4%), Bình Định (79,6%), Tiền Giang (76,4%), Đồng Tháp (75,2%)…
Đồng thời, còn 30 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 bộ và 3 địa phương đang có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: Bộ Giáo dục - Đào tạo (24,35); Bộ Y tế (20,73%); Bộ lao động - Thương binh xã hội (27%); tỉnh Hà Giang (trên 26%); tỉnh Phú Yên (trên 29%)…
Cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ
Bộ Tài chính cũng cho biết, ngoài các đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15 ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay Bộ Tài chính nhận được văn bản đề nghị giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 9 bộ, cơ quan trung ương là trên 5.352 tỷ đồng (Ủy ban Dân tộc; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 10/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo tại các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện.
Đối với các đơn vị được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 từ nguồn điều chỉnh kế hoạch và từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai thực hiện theo quy định.
5 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương là: TP. Hồ Chí Minh còn trên 43%; Cần Thơ còn trên 12%; Bình Thuận còn trên 11%; Đồng Tháp còn trên 6% và Khánh Hòa còn trên 1%. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1; một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.