10 tỉnh, thành phố nào dẫn đầu cả nước về công tác phòng chống thiên tai?
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021. Trong đó, 10 tỉnh có kết quả tốt nhất; 43 tỉnh có kết quả trung bình và 10 tỉnh có kết quả thấp nhất.
Nhận định về công tác PCTT, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, cho biết, kết quả đánh giá được tổng hợp thành 3 nhóm: Nhóm 1 gồm 10 tỉnh có kết quả tốt nhất; nhóm 2 gồm 43 tỉnh có kết quả trung bình; nhóm 3 gồm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất.
Được biết, Bộ chỉ số được ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 8/2/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan kết quả thực hiện công tác PCTT hằng năm của các tỉnh, thành phố; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương là cơ sở để địa phương cải thiện năng lực PCTT. Kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và các cơ quan quản lý nhà nước về PCTT các cấp.
Mục tiêu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh nhằm xác định chỉ số PCTT để theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm của cấp tỉnh; đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ PCTT trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số; trên cơ sở đó, so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm giữa các tỉnh, thành phố.
Bộ chỉ số gồm 24 tiêu chí, trong đó có 52 tiêu chí thành phần, chia thành 4 nhóm: Nhóm tiêu chí về tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT & TKCN và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh (2 tiêu chí, 12 tiêu chí thành phần, tối đa 15 điểm); Nhóm phòng ngừa thiên tai (9 tiêu chí, 22 tiêu chí thành phần, tối đa 45 điểm); Nhóm ứng phó thiên tai (6 tiêu chí, 9 tiêu chí thành phần, tối đa 20 điểm); Nhóm khắc phục hậu quả thiên tai (7 tiêu chí, 9 tiêu chí thành phần, tối đa 20 điểm).
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, thành viên Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021, việc triển khai thực hiện đánh giá theo Bộ chỉ số là bài bản, khoa học, phương thức công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số là phù hợp.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế là 1 trong 10 tỉnh đứng tốp đầu trong lần đánh giá này. Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT & TKCN cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đánh giá cao việc đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số và thống nhất với phương pháp, kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT. Tỉnh kiến nghị được tiếp tục thực hiện việc đánh giá này trong những năm tiếp theo và đề nghị có mở rộng đánh giá công tác PCTT cấp huyện theo Bộ chỉ số. Tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT rà soát lại những tiêu chí đánh giá khó định lượng để chỉnh sửa phù hợp và dễ hiểu hơn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Mục tiêu của Bộ chỉ số này nhằm giúp địa phương thấy được điểm mạnh, yếu về công tác phòng, chống thiên tai để từ đó có những điều chỉnh kịp thời, nhằm đáp ứng đòi hỏi của công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Năm 2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai sẽ công bố điểm chi tiết của từng địa phương, trong đó chú trọng để nhận xét, đánh giá, ý kiến của người dân địa phương về công tác phòng, chống thiên tai.
Đồng thời cũng thực hiện đánh giá các tiêu chí về công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương theo từng vùng miền, theo loại hình thiên tai... Đề nghị các địa phương trên cơ sở Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, thành phố, mỗi địa phương cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã. Đây cũng là cơ sở để đưa Bộ tiêu chí này vào trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Việc phân loại, đánh giá các địa phương về phòng, chống thiên tai chỉ là một phần, điều quan trọng và cũng là mục tiêu chính của chúng ta qua việc đánh giá về phòng, chống thiên tai vẫn là để góp phần chủ động ứng phó nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tính mạng và tài sản người dân và Nhà nước".