100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump: Lùi một bước, tiến hai bước

Trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với không ít thử thách, từ cải cách bộ máy chính quyền liên bang đến các chính sách kinh tế, đối ngoại. Dù có một số thành tựu, nhưng sự thiếu nhất quán và những khó khăn ban đầu đã khiến ông phải điều chỉnh chiến lược, lùi một bước để tiến hai bước.

Những kỳ vọng chưa được đáp ứng

Nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump kỳ vọng một cuộc cách mạng ngay trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu then chốt của chính quyền Trump - cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tự do cánh tả và quyết tâm “làm sạch đầm lầy Washington” - vốn được xem là biểu tượng cho cuộc cải tổ toàn diện mà ông Trump cam kết, rõ ràng không thể hoàn tất trong thời gian ngắn. Việc phá bỏ bộ máy chính quyền liên bang khổng lồ không thể thực hiện bằng một hành động chớp nhoáng, mà sẽ là một quá trình từng bước, đòi hỏi thời gian và sự bền bỉ.

Trong bối cảnh cải cách chính phủ ngày càng trở thành một cuộc chiến trường kỳ, nhiều khả năng kéo dài suốt nhiệm kỳ 4 năm, chính quyền Trump có thể sẽ phải đặt cược vào thành tựu kinh tế như một điểm nhấn lớn nhất. Tuy nhiên, ngay cả ở lĩnh vực then chốt này - vốn luôn là yếu tố quyết định mức độ ủng hộ dành cho bất kỳ tổng thống nào - chính quyền hiện tại cũng đang đối mặt với những thách thức lớn và dấu hiệu hụt hơi.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một chương trình cải cách thuế mới - một động thái đã góp phần khiến thị trường chứng khoán tăng mạnh ngay sau khi kết quả được công bố. Tầng lớp trung lưu, đặc biệt là những người cảm thấy sức ép từ chi phí sinh hoạt, đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng cắt giảm thuế và cải thiện kinh tế toàn diện. Không ít cử tri bỏ phiếu cho ông Trump dù không đồng tình với quan điểm chính trị của ông, nhưng tin rằng các chính sách kinh tế của ông hợp lý và thiết thực. Trong bối cảnh đó, sự hoài nghi kéo dài hơn một thập kỷ đối với năng lực điều hành kinh tế của đảng Dân chủ cũng là yếu tố thúc đẩy làn sóng ủng hộ dành cho ông Trump.

Tuy nhiên, kế hoạch cải cách thuế - vốn được xem là trọng tâm trong nền tảng kinh tế của chính quyền Trump - lại đang cho thấy đây là một dự án dài hơi. Hiện tại, Quốc hội và chính quyền vẫn đang trong quá trình thảo luận, với kỳ vọng có thể thúc đẩy một dự luật thuế mới trong vòng 100 ngày tới hoặc muộn hơn là vào cuối năm nay. Trong khi chờ đợi tiến triển lập pháp, chính quyền đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chuyển hướng sang một biện pháp kinh tế khác: tăng mạnh thuế quan đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu, một động thái nhằm bảo hộ sản xuất trong nước nhưng cũng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài.

Dù được biết đến như một “tổng thống của kinh tế”, Donald Trump cũng chưa từng che giấu hình ảnh là một nhà lãnh đạo theo đuổi chiến lược đối đầu - cả trong chiến dịch tranh cử lẫn những ngày đầu nhậm chức. Việc siết chặt chính sách kinh tế đối ngoại đã được giới quan sát dự đoán từ trước, song quy mô và mức độ quyết liệt của nó vẫn gây bất ngờ, ngay cả với những đồng minh thân cận như Elon Musk - chưa kể đến công chúng cử tri. Các biện pháp tăng thuế quan và căng thẳng thương mại leo thang đã dẫn đến làn sóng suy giảm kéo dài trên thị trường tài chính. Một số tổ chức phân tích kinh tế lớn hiện dự báo GDP Mỹ sẽ giảm ít nhất 1% vào năm 2025 - và đó là trong kịch bản lạc quan.

Sự khởi đầu của một cuộc chiến thuế quan toàn cầu đã gây ra những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa. Một số nghị sĩ Cộng hòa, vốn thường ủng hộ lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump, nay cũng bày tỏ lo ngại trước các biện pháp tăng thuế nhập khẩu ồ ạt. Một vài người trong số họ thậm chí đã công khai tuyên bố sẵn sàng liên kết với đảng Dân chủ để ủng hộ các đề xuất hạn chế quyền hành pháp trong việc đơn phương điều chỉnh thuế quan - một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt ngày càng rõ rệt trong nội bộ phe bảo thủ.

Tất cả những diễn biến này đã dẫn đến một sự rút lui đáng chú ý - một sự nới lỏng tạm thời (chính thức) đối với hầu hết các chính sách, chỉ 3 ngày sau khi chúng được công bố. Đối với những cử tri đại chúng của Tổng thống Trump, những người vốn quen với cách giao tiếp của ông không phải bằng lý lẽ, mà qua các tín hiệu cảm xúc, đây là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của ông. Lần đầu tiên, Tổng thống Trump phải lùi bước một cách rõ ràng và hiển nhiên.

Về mặt chính trị, có thể sẽ hợp lý hơn nếu Tổng thống Trump kiên quyết theo đuổi các chính sách, bất chấp những hậu quả kinh tế có thể xảy ra. Tuy nhiên, bản năng tự bảo vệ đã buộc ông phải “lùi lại” và bắt đầu một chiến lược phức tạp và khó kiểm soát hơn. Đây là điều mà các chuyên gia có thể lý giải được, nhưng những động thái xoay chuyển như vậy lại khó có thể gây ấn tượng mạnh mẽ với cử tri đại chúng, những người vốn mong chờ sự nhất quán và quyết đoán từ một nhà lãnh đạo.

Kết quả là, trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Trump không những không đạt được những mục tiêu kỳ vọng, mà còn khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực điều hành của mình trong 100 ngày đầu tiên. Washington vẫn còn rất xa mới có thể đạt được thỏa thuận kinh tế với những đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU). Hơn nữa, sự thiếu nhất quán và khó lường trong các quyết sách của chính quyền đã tạo ra hiệu ứng trì trệ kéo dài, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng - không chỉ làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của người dân Mỹ.

Trong khi đó, các sáng kiến chính sách đối ngoại quan trọng khác của Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được những bước tiến như kỳ vọng. Triển vọng đàm phán với Iran hiện rất mờ nhạt - mặc dù cả Washington và Tehran đều thể hiện quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ, nhưng sự ngờ vực giữa hai quốc gia đã tích tụ qua nhiều năm, trong khi tình hình bất ổn ở Trung Đông khiến cả hai bên phải thận trọng. Đồng thời, Israel, một đồng minh quan trọng không chỉ của Mỹ, mà còn của cá nhân Tổng thống Trump, tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và có vẻ không ngại sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, với kỳ vọng rằng Mỹ sẽ buộc phải đứng về phía họ.

Tương tự như vậy, các cuộc đàm phán về Ukraine cũng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Có lẽ thành tựu quan trọng nhất trong tiến trình này không phải là sự tiến triển trong việc chấm dứt xung đột, mà có lẽ là lần đầu tiên sau nhiều năm, đại diện của Mỹ - Nga đã có thể tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về nhiều vấn đề, từ công tác ngoại giao đến hợp tác kinh tế. Mặc dù mục tiêu thực sự của những cuộc thảo luận này có thể rộng lớn hơn nhiều, nhưng việc bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc lớn có thể khiến các chuyên gia hài lòng, song khó có thể xem đó là một thành tựu mang tính thời đại.

Liên quan đến cả Iran và Ukraine, Tổng thống Donald Trump và những cộng sự thân cận của ông vẫn tiếp tục nói về những đột phá có thể xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, không có cơ sở thực tế nào để chứng minh cho những tuyên bố này, và niềm tin vào khả năng của ông đang dần suy giảm. Kết quả là Tổng thống Donald Trump đã trở thành tổng thống có mức độ tin cậy thấp nhất trong 80 năm qua, chỉ đạt 39% - một con số không phải là thảm họa nhưng cũng không thể so sánh với sự tự tin của ông trong những ngày đầu cầm quyền.

Hướng tới mục tiêu dài hạn

Tuy nhiên, không nên vội vàng “chôn vùi” Tổng thống Trump hay đánh giá quá cao sự thiếu vắng các thành tựu mang tính biểu tượng trong 100 ngày đầu. Các cải cách mà ông khởi xướng chắc chắn đã dẫn đến sự giảm sút xếp hạng, và những kết quả nhanh chóng là điều khó có thể mong đợi. Vì vậy, các con số khiêm tốn này không phải là điều bất ngờ đối với chính quyền hiện tại ở Washington.

Mặc dù Tổng thống Trump đang bị "chĩa nhiều mũi dùi”, nhưng thực tế trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền cho thấy tính phức tạp của những vấn đề mà ông Trump đang phải đối mặt. Việc thiếu đột phá trong kinh tế, đối ngoại hay những kỳ vọng chưa được đáp ứng chỉ càng “bồi đắp” thêm niềm tin vào chiến thắng trong tương lai đối với những cử tri trung thành của ông Trump. Quy mô của các cải cách mà Tổng thống Trump khởi xướng rõ ràng không thể gói trọn trong 100 ngày - và thậm chí là trong một nhiệm kỳ 4 năm, mà có thể là một mục tiêu chiến lược dài hạn.

Bản chất của chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ trong 4 năm tới sẽ là một cuộc đấu tranh nội bộ đầy cam go và quá trình phá vỡ dần dần trật tự thế giới bên ngoài. Tổng thống Trump và nhóm của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thất bại trên con đường này. Tuy nhiên, họ có ý định tiến tới mục tiêu một cách kiên trì: lùi một bước, tiến hai bước.

Một trăm ngày đầu tiên của chính quyền Trump chỉ là bước khởi đầu trong một hành trình dài. Những thử thách và thay đổi tiếp theo sẽ nối tiếp nhau, và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ kết thúc sớm. Bởi vì, như chính đời sống chính trị Mỹ, đó là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ - liên tục thử thách, điều chỉnh và tiến lên, dù kết quả có thể chưa rõ ràng.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/100-ngay-dau-tien-cua-tong-thong-donald-trump-lui-mot-buoc-tien-hai-buoc-247541.htm