100 người có 1 người tử vong, COVID-19 là 'án tử hình' với người cao tuổi Mỹ
Khi đại dịch COVID-19 sắp đi qua năm thứ hai, Mỹ đã ghi nhận hơn 800.000 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và người cao tuổi là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
75% người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ, hay gần 600.000 người trong số 800.000 người xấu số, từ 65 tuổi trở lên. Cứ 100 người cao tuổi lại có 1 người bị virus SARS-CoV-2 đánh bại. Đối với người dưới 65 tuổi, tỷ lệ này gần mức 1/1.400.
Nguy cơ gia tăng đối với người cao tuổi đã chi phối cuộc sống của nhiều người, một phần là do bạn bè và gia đình cố gắng bảo vệ họ.
Bà Pat Hayashi, 65 tuổi, ở San Francisco, chia sẻ: “Tôi dần bị lãng quên. Trong đại dịch, sự cô lập và cô đơn càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi đã mất tự do và mất quyền sử dụng các dịch vụ”.
Kể từ khi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên xuất hiện cách đây một năm, người Mỹ lớn tuổi đã được tiêm phòng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nhóm trẻ hơn. Tuy nhiên, họ vẫn phải hứng chịu nỗi mất mát tàn khốc.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ người trẻ tuổi trong số tất cả các trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 ở Mỹ đã tăng lên trong năm nay, nhưng trong hai tháng qua, tỷ lệ người lớn tuổi đã tăng trở lại.
Hơn 1.200 người ở Mỹ tử vong vì COVID-19 mỗi ngày, hầu hết họ từ 65 tuổi trở lên.
Trong các cuộc khảo sát trên cả nước, người cao tuổi ở Mỹ cho biết họ đã tiếp tục chịu đựng sự cô lập và sợ hãi liên quan đến đại dịch rất lâu sau khi hàng chục triệu người trẻ tuổi và trung niên đã trở lại làm việc và đi học, cũng như trở lại cuộc sống bình thường.
Những người lớn tuổi vẫn có tỷ lệ nhập viện cao, đặc biệt nếu họ không tiêm chủng. Các bệnh viện ở Trung Tây, New England và Tây Nam đang đối mặt với một lượng lớn bệnh nhân cao tuổi trong tháng này.
Lo lắng về rủi ro của bản thân, nhiều người trong số họ vẫn đang hạn chế đi đi lại, thăm con cháu và ít ra ngoài ăn uống. “Sau khi chứng kiến một vài người quen biết qua đời, chúng tôi không muốn mình gặp rủi ro chút nào”, ông Rob Eiring, 70 tuổi, nói.
Cùng lúc đó, việc nhiều công ty thúc đẩy nhân viên trở lại nơi làm việc cũng đang gây sức ép cho những người lớn tuổi vẫn đang làm việc.
Đại dịch không còn ở những ngày đầu đen tối của mùa Xuân năm 2020 khi loại virus bí ẩn xâm nhập các viện dưỡng lão và các cơ sở hỗ trợ gây tử vong cao đáng kinh ngạc, đặc biệt ở những người có vấn đề về sức khỏe từ trước.
Trong suốt mùa Hè, hầu hết những người chết vì COVID-19 đều tập trung ở miền Nam nước Mỹ. Nhưng 100.000 ca tử vong gần đây nhất kể từ đầu tháng 10 đã phân bổ khắp đất nước từ Pennsylvania đến Texas, Mountain West và Michigan.
100.000 ca tử vong gần đây nhất này cũng đều xảy ra trong vòng chưa đầy 11 tuần - một dấu hiệu cho thấy tốc độ tử vong một lần nữa tăng lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác, ngoại trừ đợt tăng đột biến của mùa Đông năm ngoái.
Cho đến nay, COVID-19 đã trở thành nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, sau bệnh tim và ung thư. Nó là nguyên nhân gây ra khoảng 13% ca tử vong ở nhóm tuổi đó kể từ đầu năm 2020, nhiều hơn cả bệnh tiểu đường, tai nạn, bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ.
Một năm trước, khi các quan chức y tế ở nước này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine chống COVID-19, họ đã đưa người lớn tuổi vào nhóm ưu tiên hàng đầu. Người Mỹ lớn tuổi hiện là nhóm tuổi được tiêm chủng nhiều nhất ở Mỹ. Theo CDC, 87% người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, rất nhiều người lớn tuổi không tiêm vaccine đã tử vong sau mắc COVID-19. Và sự suy yếu tự nhiên của hệ miễn dịch cùng chức năng của các cơ quan cơ thể đã khiến những người lớn tuổi thậm chí đã tiêm phòng dễ bị tổn thương hơn.
Dữ liệu CDC mới nhất về các trường hợp tử vong ở những người đã tiêm chủng, không bao gồm những trường hợp tử vong trong 10 tuần qua, cho thấy những ca tử vong đột phá sau tiêm chỉ chiếm một phần nhỏ so với con số thiệt hại trên toàn quốc.