11.000 văn bản phục vụ công tác báo cáo, giải trình, thanh tra, quyết toán trong phòng và điều trị Covid-19
Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV được ban hành trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống xã hội.
Đây cũng là văn bản tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các biện pháp chống dịch linh hoạt, chưa được luật định trong tình thế cấp bách. Tuy nhiên, hiệu lực áp dụng các biện pháp khẩn chỉ kéo dài đến 31/12 năm nay, vậy chúng ta cần căn cứ pháp lý nào trong tình hình mới? Sáng 27/9, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các địa phương và các bộ ngành liên quan về vấn đề này.
Nghị quyết 30 thực sự đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế, chính sách trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên đây chỉ là những quy định có tính nguyên tắc, việc triển khai cụ thể vẫn gặp những vướng mắc nhất định như chưa xác định rõ được thời điểm nào là cấp bách, việc mua sắm vẫn còn rất hạn chế do không xác định được mức dự trù phù hợp. Có những địa phương xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhưng có nơi tồn dư nhiều vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 từ các nguồn mua sắm hoặc tài trợ sắp hết hạn, có khả năng phải bỏ đi. Y tế cơ sở không chỉ chịu áp lực khám chữa bệnh mà còn phải mang theo gánh nặng giấy tờ, thủ tục.
Ông ĐINH NGỌC QUÝ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Chúng tôi đi thực tế, đến nơi anh em mang ra 11 nghìn văn bản từ công văn trở đi để báo cáo và giải trình cho các công tác thanh tra kiểm tra thanh toán quyết toán. Các này chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau.”
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có bổ sung, làm rõ các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết 30, đồng thời đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với việc tồn dư vật tư phòng chống dịch, chống lãng phí. Bên cạnh đó, một số điều của nghị quyết 30 cũng cần được kéo dài.
Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Chắc chắn phải xin cho kéo dài. Việc thứ nhất là gia hạn đăng kí lưu hành thuốc, thứ hai là cơ chế thanh toán điều trị Covid-19 cho người bệnh để đảm bảo sự liền mạch về chính sách, tránh việc đến ngày dừng những người chưa được thanh toán bị thiệt thòi”.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần cùng cố hoàn thiện pháp lý, sớm ban hành luật dược sửa đổi, luật khám chữa bệnh sửa đổi với những khung chi tiết về việc mua sắm trang thiết bị y tế, giảm bớt áp lực tâm lý với cán bộ y tế.
Thực hiện : Đỗ Minh Đức Minh