11 nhiệm vụ thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu 11 nhiệm vụ nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Chiều 2/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, báo chí đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) Đoàn Văn Việt đã nêu 11 nhiệm vụ cụ thể nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Trước hết, tập trung nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền về phát triển văn hóa, trong đó khẳng định sự đóng góp của văn hóa trong quá trình kinh tế xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, để văn hóa đứng ngang hàng kinh tế, chính trị.
Thứ hai, Bộ tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất để hoàn thiện thể chế, chính sách… Ví dụ như sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa, đặc biệt khai thác, khuyến khích sáng tạo đội ngũ văn nghệ sĩ của các tổ chức, các doanh nghiệp…
Thứ ba là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó xây dựng môi trường văn hóa. Ở đây có nội dung quan trọng đó là Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xây dựng Hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhiệm vụ thứ tư là tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo động lực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong nội dung này Bộ sẽ tập trung sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, qua để để xây dựng bộ tiêu chí về chỉ số văn hóa quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững.
Nội dung thứ năm là nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa. Đây là nhu cầu lớn của người dân, do vậy, cần tập trung xây dựng sức mạnh mềm, thương hiệu để phát huy vai trò văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ sáu là bảo vệ phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình, các dữ liệu lớn về văn hóa nghệ thuật, di sản văn hóa các dân tộc của chúng ta. Cùng đó là nâng cấp, khai thác có hiệu quả văn hóa, di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam phù hợp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ bảy là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành trong công nghiệp văn hóa. Đây là nội dung quan trọng, cần tập trung xây dựng chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, nêu được lợi thế, nội dung phù hợp của công nghiệp văn hóa Việt Nam so với thế giới.
Thứ tám là chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, thì cần xây dựng các đề án để đầu tư, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta, chiến lược văn hóa đối ngoại tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như xúc tiến thành lập một số trung tâm văn hóa tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Pháp, Nga, Trung Quốc… trong thời gian tới.
Thứ chín là tạo sự đột phá trong vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, theo đó tập trung vào thế mạnh là thị trường đào tạo văn nghệ sĩ diễn viên trong nước và nước ngoài.
Thứ mười là quan tâm phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.
Và cuối cùng là tập trung phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.