13 cách nhận biết vàng thật, vàng giả tại nhà
Vàng được nhiều người lựa chọn để đầu tư, làm đồ trang sức. Nhưng không phải ai cũng biết cách phân biệt vàng thật, vàng giả. Dưới đây là cách nhận biết vàng thật, vàng giả đơn giản, chính xác.
Các loại vàng trên thị trường
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vàng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Phổ biến nhất là vàng ta (còn gọi là vàng 9999). Đây là vàng có độ tinh khiết lên tới 99,99%, tức chỉ chứa khoảng 0,01% tạp chất. Đây là loại vàng có giá trị cao nhất và thường được sử dụng để đầu tư, tích trữ, điển hình là vàng miếng SJC.
Tiếp theo là vàng 999 hay còn gọi là vàng 24k. Đây là loại vàng có độ tinh khiết cao, khoảng 99,9%, chỉ thấp hơn một chút so với vàng 9999 (99,99%). Do sự khác biệt không đáng kể, vàng 999 vẫn được xem là vàng nguyên chất và thường được sử dụng để đầu tư hoặc tích trữ.
Kế đến là vàng trắng. Đây là một loại hợp kim được tạo ra bằng cách pha vàng nguyên chất (thường là vàng 24K) với một số kim loại trắng hoặc bạc. Trong quá trình luyện kim, lớp vàng sẽ được thay thế bằng kim loại quý màu trắng nên gọi là vàng trắng.
Vàng trắng có nhiều loại. Trong đó, vàng trắng 10k có hàm lượng vàng 41,67%, vàng trắng 14k có hàm lượng vàng 58,33%, vàng trắng 18k có hàm lượng vàng 75%.
Một loại vàng khác là vàng hồng. Đây là sự kết hợp giữa vàng nguyên chất và đồng. Dựa theo hàm lượng vàng nguyên chất, có các loại: vàng hồng 10k có hàm lượng vàng 41,67%, vàng hồng 14k có hàm lượng vàng 58,33%, còn vàng hồng 18k có hàm lượng vàng 75%.
Vàng tây cũng là sự kết hợp giữa vàng nguyên chất với các hợp kim khác. Vàng tây bao gồm 10k, 14k, 18k với hàm lượng vàng lần lượt là 41,67%, 58,33% và 75%.
Còn vàng Ý là vàng có nguồn gốc từ Ý (Italy). Vàng Ý với màu trắng bạc sang trọng là sự kết hợp giữa tỷ lệ cao bạc nguyên chất với các kim loại khác.

Vàng nhẫn ép vỉ giả. Ảnh: TL
Vàng non là loại vàng có hàm lượng vàng nguyên chất thấp, thường dưới 9K. Do không đạt chuẩn tích trữ hoặc đầu tư, vàng non chỉ được dùng để chế tác trang sức thời trang giá rẻ. Vàng non dễ bị xỉn màu, bong tróc, khó xác định chính xác hàm lượng vàng thật bên trong.
Vàng mỹ ký hay còn gọi là vàng hai lớp. Lớp ngoài sẽ là vàng 18k hoặc 24k, bên trong lõi chính là vàng non (giá cao hơn) hoặc hợp kim giá rẻ. Do sở hữu hai lớp nên người tiêu dùng sẽ khó xác định xem lõi bên trong là gì, vì thế khả năng mua nhầm rất cao.
13 cách nhận biết vàng thật, vàng giả tại nhà
Quan sát dưới ánh sáng: Vàng thật có bề mặt láng mịn, không có chấm nhỏ li ti, không có vết lồi lõm. Nếu là vàng giả, bề mặt sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu trắng hoặc đỏ.
Nhận biết bằng ký hiệu: Với vàng thật, trên bề mặt của sản phẩm luôn được khắc các ký hiệu chỉ tuổi vàng, thương hiệu của vàng như 10k, 24k, 18k, PNJ, SJC, 9999,... Vàng giả sẽ không có các ký hiệu này.
Nhận biết bằng cách cắn mạnh vào vàng: Vàng thật sẽ có độ mềm và dễ hằn dấu răng khi bị cắn mạnh. Còn vàng giả sẽ cứng, không bị trầy hay móp méo.
Quan sát độ xỉn màu của vàng: Nếu là vàng giả, sau một thời gian sử dụng thì lớp mạ ở trên sẽ trôi đi mất, làm lộ rõ chất liệu kim loại màu khác dưới lớp vàng. Vàng thật 100% sẽ không xảy ra hiện tượng này.

Người dân cần lưu ý khi mua vàng để tránh mua phải hàng giả.
Nhận biết bằng kem nền trang điểm: Thoa một lớp kem nền dạng lỏng lên mu bàn tay và chờ kem khô lại rồi chà tay lên bề mặt vàng. Nếu thấy để lại một vệt trên chỗ kem vừa thoa thì đó là vàng thật, nếu không thấy gì thì là vàng giả.
Nhận biết bằng giấm: Chuẩn bị một cốc giấm rồi cho trang sức vào ngâm khoảng 15-30 phút và quan sát màu nước trong cốc. Nếu giấm chuyển sang màu đen, xanh lục hoặc nâu khói thì là vàng giả, còn không thấy có hiện tượng đổi màu thì là vàng thật.
Nhận biết bằng nam châm: Sử dụng một thỏi nam châm đưa đến gần vàng để kiểm tra. Nếu xảy ra lực hút thì đó là vàng giả, vàng thật sẽ không phản ứng gì với nam châm.
Nhận biết bằng gốm: Lấy vàng chà xát mạnh lên bề mặt gốm tráng men (lúc này có màu trắng), nếu xuất hiện vệt màu vàng thì là vàng thật, còn vệt màu đen là vàng giả.
Kiểm tra trọng lượng vàng: Ngâm vàng vào cốc nước có chia sẵn vạch đo. Hãy áp dụng công thức tính tỷ trọng dưới đây: tỷ trọng = trọng lượng/thể tích tăng thêm.
Nhận biết bằng nước cường toan: Hãy dùng khăn hoặc bông gòn thấm vào nước cường toan sau đó chấm lên vàng rồi quan sát phản ứng trên bề mặt. Vàng giả thường bị ăn mòn hoặc đổi màu nhanh chóng khi tiếp xúc với nước cường toan. Vàng thật có thể phản ứng chậm hoặc rất ít bị ảnh hưởng
Nhận biết bằng dung dịch axit nitric: Ngâm trang sức vào dung dịch axit nitric (HNO3) hoặc dùng khăn, bông gòn thấm lên bề mặt. Nếu không có hiện tượng gì thì là vàng thật, vàng giả sẽ tạo ra nước và muối khi gặp dung dịch axit này.
Nhận biết bằng lửa khò: Cắt 1 miếng vàng nhỏ hoặc rạch 1 đường cắt lên bề mặt vàng, sau đó dùng ngọn lửa khò kỹ vào vị trí cắt. Nếu vàng bị tan chảy và để lại một lớp bám ở phía ngoài mặt cắt thì đó là vàng giả. Còn vàng thật cũng tan chảy khi gặp nguồn nhiệt cao nhưng sẽ không để lại gì.
Nhận biết bằng máy thử vàng điện tử: Nếu thường xuyên mua sắm, tích trữ vàng, nên đầu tư một chiếc máy thử vàng điện tử để đảm bảo độ chính xác cao hơn.
Lưu ý khi mua, bán vàng để tránh hàng giả
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh rủi ro khi mua bán vàng, khách hàng nên đến trực tiếp các cơ sở kinh doanh uy tín. Việc này giúp đảm bảo mua đúng loại vàng, đủ số lượng và được kiểm tra kỹ tiền, vàng trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, khách hàng cần yêu cầu cấp giấy tờ có chữ ký và đóng dấu xác nhận khi mua bán.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lưu ý rằng người dân chỉ được phép mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng.
Các doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, không có giấy phép kinh doanh vàng miếng thì không được phép thực hiện giao dịch vàng miếng với cá nhân hoặc tổ chức. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định.
(Tổng hợp)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/13-cach-nhan-biet-vang-that-vang-gia-tai-nha-2393673.html