Truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất
Trong thoáng chốc, bà Hải như thấy những gương mặt của đồng đội thương yêu theo những cánh chim bồ câu trắng bay theo đoàn tàu. Những gương mặt rạng ngời màu nắng.

Hình minh họa
Bà Hải nhìn qua cửa sổ, vẫy tay chào con cháu và những người đưa tiễn trên sân ga rực rỡ sắc cờ hoa. Kỷ niệm "đám cưới vàng" của bố mẹ, các con ông bà Trường, Hải đặt vé trên chuyến tàu Thống Nhất chạy vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để ông bà được sống lại ký ức những năm tháng hào hùng.
Chuyến tàu đặc biệt nên đa số hành khách là thương bệnh binh, cựu chiến binh và thân nhân của người có công với cách mạng.
Ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài, thi thoảng, ông bà lại reo lên khe khẽ khi bắt gặp những nơi mình đã đi qua. Đến ga kế tiếp, toa của ông bà đón thêm hành khách. Những mái đầu bạc phơ, thời gian đã hằn trên đuôi mắt nhưng nét mặt ai cũng rạng rỡ, huy chương lấp lánh trên ngực áo đầy tự hào. Một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu bỗng kéo cánh tay bà Hải, reo lên:
- Hải, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đúng không? Mình đây, Ngần thanh niên xung phong đây.
Hai người bạn ôm chầm lấy nhau trong niềm vui tái ngộ mà nước mắt cứ trào ra. Những kỷ niệm ngược thời gian quay trở về, hòa với nhịp tàu trên hành trình hướng về miền Nam ruột thịt.
Năm ấy, vừa tròn 16 tuổi, bà Hải trốn gia đình, khai thêm 2 tuổi để được ra chiến trường. Ngày biết tin, mẹ bà khóc cạn nước mắt. Bà là con út, cũng là đứa con gái duy nhất trong gia đình. Bố mẹ vẫn mong con gái trở thành cô giáo rồi chọn một người gần nhà để kết hôn, sớm tối quây quần bên gia đình.
Nhưng làm sao có thể ngồi im khi đất nước có chiến tranh. Bà khóc lóc, giận dỗi, bỏ ăn bỏ uống, quyết tâm ra chiến trường. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, bố mẹ nén nước mắt tiễn con gái lên đường.
Thời gian đầu, bà được giao nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường cho xe qua. Hai năm sau thì bà được tuyển chọn vào Trung đội lái xe nữ. Nhớ lại những ngày đầu tập lái xe, bà thoáng mỉm cười.
Ngày ấy, bà chỉ nặng hơn 40 cân, ngồi vào ghế xe, chân chưa chạm sàn, tay phải với mới tới vô-lăng, phải khắc phục bằng cách kê chăn phía dưới cho cao ngang tay lái, chèn một cái can nhựa đằng sau lưng làm điểm tựa.
Mỗi lần lên dốc, xuống dốc là nín thở vì căng thẳng, mồ hôi túa ra như tắm. Rồi tập lái trên đường hiểm trở, tập phản ứng khi gặp máy bay địch. Lắm đêm về khóc thầm vì mình học cả buổi vẫn chưa nắm được kỹ năng thầy dạy.
Vậy mà vì mong muốn được cống hiến sức trẻ cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, việc khó mấy cũng vượt qua được, tay lái mỗi ngày thêm vững vàng. Sau 45 ngày huấn luyện, cô gái nhỏ bé chính thức cầm vô lăng, chân đạp ga, đạp phanh, bắt đầu hành trình khắp các tuyến lửa.
Là nữ nhưng bà cùng đồng đội đảm nhận tất cả công việc chẳng khác gì các chiến sĩ nam. Cũng chui gầm xe để sữa chữa mỗi khi trục trặc, bám cả người vào thành xe để vặn ốc. Đôi bàn tay bỏng rộp, tóe máu vì quay ma-ni-ven khởi động xe.
Gian khổ, hiểm nguy nhưng những chiếc xe tải của những nữ chiến sĩ lúc nào cũng đậm chất thơ. Xe được ngụy trang bằng lá cây, trong buồng lái lúc nào cũng có một nhành hoa rừng. Nhành hoa làm mềm đi những căng thẳng của mưa bom, bão đạn.
Thời gian còn làm nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường cho xe qua, bà ở chung đơn vị với bà Ngần. Cùng tuổi, hợp tính nên hai người nhanh chóng trở nên thân thiết. Hồi ấy, bà còn định "ngắm" bà Ngần cho người anh trai thứ tư của mình.
Lúc bà nhận nhiệm vụ ở Trung đội lái xe nữ thì bà Ngần cũng nhận nhiệm vụ ở một trong những nơi ác liệt nhất của tuyến đường huyết mạch. Khu vực ấy, Mỹ bắn phá ác liệt, quyết tâm cắt đứt tuyến đường vận chuyển của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Bà Ngần cùng đồng đội bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm để đến điểm tập kết.
- Ngày ấy chúng mình cứ như chẳng biết sợ là gì, mỗi lần ra đường phá bom giữa tiếng máy bay gầm rú của địch là đơn vị làm lễ truy điệu sống. Vậy mà ai cũng xung phong, ai cũng nhận nhiệm vụ về mình - bà Ngần nhìn ra cửa sổ để kìm nỗi xúc động.
Giọng bà Hải cũng nghẹn ngào:
- Sợ chứ, có ai mà không sợ chết đâu. Nhưng sợ thì không có độc lập, tự do. Bà có nhớ Huệ, nhớ Lan, Thảo, Cúc, Trang không? Chúng nó cứ ước hòa bình để được ra Hà Nội một lần cho biết. Vậy mà không đứa nào về nữa. Mỗi trận bom địch dội xuống, đơn vị mình lại vắng dần những khuôn mặt thân quen.
Nhiều hôm chúng mình ôm nhau khóc, bưng bát cơm lên mà không thể nào nuốt nổi vì đồng đội mới hôm qua còn nằm chung một lán, múc nước cho nhau gội đầu, hôm nay đã bị bom chôn lấp ở đâu không biết…
Cả toa tàu lặng đi trong niềm nhớ thương những người đồng đội đã ngã xuống. Tất cả cùng nhìn ra phía cửa sổ tàu, chăm chú ngắm nhìn khung cảnh lướt qua như muốn cảm nhận không khí của hòa bình thay cho những người đã dâng hiến cả tuổi xuân cho non sông, đất nước.
Năm mươi năm rồi, không còn đạn bom, khói lửa, không còn đau khổ, đói nghèo. Mỗi làng quê, thành phố mà đoàn tàu lướt qua, ở đâu cũng tươi đẹp, nơi nào cũng nhộn nhịp. Hòa bình, tự do đẹp quá.
Đẹp như những giấc mơ năm nào giữa đại ngàn Trường Sơn mơ về ngày chiến thắng. Đẹp như nụ cười rạng rỡ của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Đẹp như khúc hát ru ầu ơ bên cánh võng ngày thơ bé. Giá như đồng đội có thể chứng kiến ngày này, giá như không có đau thương, mất mát… Nhưng chiến tranh, làm sao tránh được hi sinh.
Bà Hải khẽ lau nước mắt rồi cầm tay bà Ngần, hỏi han cuộc sống của bạn từ sau khi hai người mất liên lạc. Lần ấy, một quả bom nổ chậm rơi ngay đúng tim đường, làm tắc những chuyến xe ra trận.
Bà Ngần xung phong ra đối mặt để kích cho quả bom nổ. Sức ép của bom khiến một bên tai bà bị điếc, một mảnh bom văng cắt đứt lìa nửa bàn chân của bà. Bà được đưa ra Bắc điều trị. Từ đó, họ bặt tin nhau.
Bà Ngần chỉ vào người cựu chiến binh ngồi bên cạnh mình. Ông bị mất một cánh tay nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn, xốc vác với nụ cười hóm hỉnh. Bà Ngần giới thiệu:
- Chồng mình đấy. Cũng lính lái xe Trường Sơn. Gặp nhau giữa chiến trường, cùng đồng hương nên cảm mến nhau rồi hẹn ước. Đợt mình bị thương, anh cũng bị thương ra Bắc chữa trị rồi xin phép hai bên gia đình tổ chức đám cưới.
Bọn mình được hai cháu, một trai, một gái, đều công tác trong quân đội, được bốn đứa cháu nội ngoại.
Chưa để bà Hải giới thiệu hết, bà Ngần đã quay sang ông Trường, hồ hởi:
- Đây là anh Trường, chồng Hải đúng không. Mối tình của hai người ngày ấy nổi tiếng khắp Trường Sơn.
Bà Hải bỗng bẽn lẽn như cô gái mới lớn. Bà phát nhẹ vào vai bạn như một lời trách yêu. Từ cô gái từng khóc thầm vì tập mãi chưa đạt như thầy dạy, bà Hải trở thành một nữ chiến sĩ lái xe dạn dày kinh nghiệm. Bom đạn không làm khó được những người con gái nhỏ bé ấy.
Tiếng bom rơi cũng không khiến họ lùi bước. Bom thả phía sau thì nhấn ga chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác. Kinh nghiệm, phản xạ thành máu thịt. Nhưng có một điều mà bà Hải cùng đồng đội không bao giờ có thể quen thuộc mà trở nên chai sạn đi được là sự xót xa trước những đớn đau của thương binh.
Đường gập ghềnh, xe xóc nảy, vết thương trên thân thể các anh, các chị tứa máu, đau đớn. Vì đau quá, nhiều người nổi cáu mắng lái xe, đến khi bình tĩnh lại, họ lại rụt rè xin lỗi. Bà không giận, bà hiểu và thấy thương họ hơn.
Có lần xe chở thương binh gặp bom oanh tạc. Một mình bà loay hoay không biết phải làm sao để đưa được tất cả thương binh vào nơi trú ẩn. Các anh chị giục bà bỏ xe mà chạy, không ai trách móc gì cả.
Chiến tranh mà, giảm thiểu tối đa thương vong. Họ gửi cho bà những món kỷ vật, nhờ bà trao lại cho gia đình. Nhưng bà vẫn ghì chặt vô lăng, quyết không rời xe. May mắn có một đơn vị công binh gần đó phát hiện, chạy tới hỗ trợ cõng thương binh vào hầm trú ẩn.
Bà Hải gặp ông Trường cũng trong một chuyến chở thương binh ra miền Bắc điều trị. Ông Trường lúc ấy bị thương nặng, không thể tự đi được. Bà đã cõng ông, chăm sóc ông suốt chặng đường từ mặt trận về hậu phương.
Trước khi chia tay, ông đã xin địa chỉ của bà. Những lá thư từ nơi ông điều trị đều đặn gửi tới đơn vị của bà. Tình trong như đã, họ tâm sự với nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui nhưng không ai nhắc đến chuyện tình cảm. Chiến tranh còn ác liệt, biết ngày sau ra sao, lỡ chẳng may lại dở dang cho người ở lại.
Đến khi chiến tranh gần kết thúc, họ mới gặp lại nhau. Ông ngỏ lời, bà hẹn ngày chiến thắng trước khi hai người rẽ theo hai hướng. Ngày chiến thắng, ông cùng bố mẹ sang nhà xin được đón bà về làm dâu. Ông đi học, làm giáo viên, còn bà tiếp tục ở lại quân đội. Đến ngày nghỉ hưu, ông bà lại cùng đi tìm hài cốt đồng đội.
Tàu đã gần tới ga Đà Nẵng. Các toa tàu rộn ràng tiếng hát. Chỉ một lát nữa thôi, đoàn tàu từ Hà Nội và đoàn tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp nhau, hội ngộ. Vui sao mà nước mắt lại trào.
Trong thoáng chốc, bà Hải như thấy những gương mặt của đồng đội thương yêu theo những cánh chim bồ câu trắng bay theo đoàn tàu. Những gương mặt rạng ngời màu nắng.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-chuyen-tau-thong-nhat-20250425154457499.htm