136 quốc gia đạt thỏa thuận áp thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% vào năm 2023
136 quốc gia và khu vực pháp lý đã đồng ý áp dụng mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% từ năm 2023. Thỏa thuận này cho phép họ thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của mình, bất kể tập đoàn này có hiện diện tại đó hay không.
Thỏa thuận về cải cách thuế nói trên do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) điều phối đàm phán. Theo OECD, những quốc gia và khu vực pháp lý đã ký kết thỏa thuận đại diện cho hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực kiểm soát cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp kéo dài hơn ba thập kỷ trên toàn cầu.
Cách thức phân bổ thuế mới được đưa ra dựa trên hoạt động thực tế thay vì cơ sở vật chất của doanh nghiệp là câu trả lời với nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Điều này đã đảo ngược một trong những khái niệm làm nền tảng cho hệ thống thuế quốc tế trong hàng thế kỷ qua.
OECD cho biết biện pháp này sẽ "tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới". Thỏa thuận sẽ được chuyển tới cuộc họp hôm thứ Tư của các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương thuộc nhóm G20 diễn ra tại Washington, và hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome vào cuối tháng này.
Mức thuế trần này sẽ ngăn cản các tập đoàn đa quốc gia thành lập các công ty con để chuyển lợi nhuận đến những khu vực pháp lý đánh thuế thấp. Tỷ lệ thuế toàn cầu tối thiểu sẽ áp dụng cho các công ty có doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu euro (867 triệu đô la) trở lên. Trong đó, thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ áp dụng đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu 20 tỷ euro và tỷ suất lợi nhuận trước thuế vượt quá 10%.
Danh sách chịu tác động chỉ gồm khoảng 100 công ty trên toàn thế giới với những tên tuổi lớn như: Google, Amazon, Facebook và Apple. Do đó, các doanh nghiệp này có thể phải trả mức thuế lên tới 25% đối với khoản lợi nhuận vượt ngưỡng tỷ suất 10% kể trên. Các quốc gia nơi họ cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ điều này.
“Trong nhiều thập kỷ, người lao động và người đóng thuế tại Mỹ đã phải trả giá cho một hệ thống thuế mà mang lại phần thưởng cho các tập đoàn đa quốc gia vừa chuyển việc làm, vừa chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Cuộc chạy đua giảm thuế không chỉ gây thiệt hại cho người lao động Mỹ mà còn khiến nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ gặp bất lợi khi cạnh tranh”, Tổng thổng Mỹ Joe Biden cho biết sau khi công bố thỏa thuận.
Các quốc gia châu Âu đã có thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng mình, chẳng hạn như Vương quốc Anh và Pháp, sẽ không áp dụng mức thuế được quy định trong thỏa thuận này. Các khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số là một vấn đề gây tranh cãi khi Mỹ cho rằng thỏa thuận đang nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ của quốc gia này.
Một số nước còn lại, bao gồm Ireland - đã thu hút một số tập đoàn đa quốc gia mức thuế 12,5% - đã tham gia thỏa thuận. Trong khi đó, Pakistan, Sri Lanka, Kenya và Nigeria vẫn đứng ngoài cuộc.
“Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ giải quyết những thách thức về thuế trên toàn cầu trong quá trình số hóa. Đồng thời, cung cấp sự chắc chắn và ổn định mà các doanh nghiệp lớn và chính phủ đều cần”, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết trước khi ký thỏa thuận.
“Tôi tin tưởng rằng Ireland sẽ cung cấp một ngôi nhà hấp dẫn cho các doanh nghiệp đa quốc gia trong tương lai lâu dài”, ông nói.
Lam Vy (Theo Nikkei Asia)