14/18 dự án trọng điểm tại Lạng Sơn triển khai chậm
Đa số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh triển khai chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, tập trung ở nhóm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đang thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai hiệu quả các dự án... Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các dự án trọng điểm quý IV và cả năm 2023, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 19/1.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, 14/18 dự án trọng điểm trên địa bàn triển khai chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Điển hình như: Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18); tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Quần thể Khu Du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Khu chế xuất 1 thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (bao gồm cả tiểu dự án tái định cư); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn...
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Vũ Hoàng Quý cho hay, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu của các dự án. Một số dự án chậm ban hành giá đất cụ thể để tính bồi thường về đất; chậm thực hiện thủ tục xây dựng khu tái định cư. Một số hộ dân chưa chấp hành chủ trương thu hồi đất, không hợp tác thống kê, kiểm đếm đất đai và tài sản gắn liền trên đất.
Chất lượng lập dự án khả thi đối với các dự án PPP chưa cao dẫn tới phải điều chỉnh dự án ảnh hưởng tới tiến độ triển khai, thực hiện; việc thực hiện thủ tục hành chính như: điều chỉnh chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công còn chậm so với tiến độ thực hiện hợp đồng đã ký kết. Cùng với đó, do chế độ chính sách thay đổi liên tục, nhà đầu tư, các cơ quan liên quan còn lúng túng trong quá trình áp dụng, vận dụng quy định có liên quan… dẫn tới tiến độ thực hiện dự án chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án...
Tại hội nghị này, đại diện doanh nghiệp - chủ đầu tư các dự án kiến nghị, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ chủ đầu tư trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch để triển khai dự án, tránh tình trạng dự án chậm tiến độ kéo dài gây thiệt hại cho nhà đầu tư…
Để gỡ nút thắt, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phát huy hiệu quả dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư, chủ đầu tư thực hiện điều tra hiện trạng rừng trong khu vực dự án và thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp (nếu có).
UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân trong năm 2024; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dự án.
Các huyện, thành phố, chủ đầu tư tập trung quyết liệt trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư trong thời gian tới. Các cơ quan chuyên môn được giao chủ trì theo dõi dự án, lãnh đạo sở, ngành nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án đáp ứng yêu cầu đề ra.