15 năm qua, năm nào giáo viên cũng tìm minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp

Kể từ năm 2009 cho đến nay, năm nào giáo cũng phải thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp nên họ cảm thấy nhàm chán vì quanh đi, quẩn lại cũng chừng ấy minh chứng.

Trước đây, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT nhưng kể từ năm học 2018-2019 cho đến nay đang thực hiện theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.

Theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông , chu kỳ đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên được quy định như sau: “Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học; Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học; Trong trường hợp đặc biệt, được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên, nhà trường rút ngắn chu kỳ đánh giá giáo viên”.

Điều này cũng đồng nghĩa, trước đây và cũng như năm học 2023-2024 này, năm nào giáo viên cũng phải tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp của mình. Vì thế, liên tục suốt mười mấy năm qua, năm nào giáo viên cũng phải thực hiện nên dẫn đến nhàm chán, hình thức nhưng tốn không ít thời gian- nhất là khi đến chu kỳ “cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên”.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên đang rất hình thức, nhàm chán (Ảnh minh họa: H.G)

15 năm liên tục, giáo viên đi tìm… minh chứng

Trước đây, giáo viên phổ thông thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT với 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí. Kể từ năm học 2018-2019, Bộ ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì rút xuống còn 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.

Nhưng, cho dù xếp chuẩn nghề nghiệp của giáo viên được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư nào cũng yêu cầu giáo viên có các minh chứng: bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ, kế hoạch, giáo án, biên bản, phiếu dự giờ; kết quả giảng dạy…

Vì thế, có những minh chứng mà suốt 15 năm qua không hề thay đổi và năm nào cũng phải photo hoặc chụp hình tải lên phần mềm Temis của Bộ, như: bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Việc đánh giá chuẩn giáo viên hiện nay đang khiến cho nhiều giáo viên vất vả vì theo hướng dẫn hiện nay theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì năm nào giáo viên cũng phải tự đánh giá (giáo viên tự đánh giá, cập nhật minh chứng cho các tiêu chí của mình) trên phần mềm.

Cũng vì vậy, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn cũng có thêm nhiều công việc, nhất là khi bước vào chu kỳ đánh giá (2 năm 1 lần) vì họ phải tổ chức họp tổ chuyên môn để đánh giá từng người. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ , bao gồm: biên bản họp; bản tự đánh giá; bản đồng nghiệp đánh giá; bản tổng hợp đánh giá của tổ để nộp cho Ban giám hiệu với nhiều biểu mẫu khác nhau.

Chính vì thế, những tổ ít giáo viên còn đỡ, tổ mà có trên chục giáo viên nhiều khi ngồi cả buổi sáng họp, thảo luận, đánh giá mới xong vì ngoài đánh giá giáo viên trong tổ, các tổ chuyên môn còn kết hợp đánh giá chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong nhà trường.

Sau họp tổ chuyên môn, tổ trưởng còn phải vào phần mềm Temis kiểm tra tổ viên đã đánh giá và cập nhật minh chứng hay chưa. Tiếp theo, tổ trưởng chuyên môn nhập đánh giá của từng giáo viên trong tổ lên phần mềm Temis.

Cuối cùng, hiệu trưởng sẽ đánh giá chuẩn nghề nghiệp của tất cả giáo viên trên phần mềm Temis mới hoàn thiện các bước đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Với rất nhiều bước, công đoạn thực hiện như hiện nay nhưng cuối cùng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên đang được nhiều giáo viên dưới cơ sở đánh giá là một công việc hình thức, thừa thải và không phát huy hiệu quả.

Nói đúng hơn là công việc này gần như chẳng có tác dụng gì vì năm nào cũng cập nhập đi, cập nhật lại văn bằng, chứng chỉ và thực hiện chừng ấy tiêu chuẩn, tiêu chí mà Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT đã hướng dẫn.

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay có hình thức?

Công việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay được nhiều giáo viên cho rằng còn hình thức. Theo người viết, điều này không phải là không có cơ sở- nếu nhìn từ thực tế thực hiện và hướng dẫn hiện nay.

Bởi lẽ, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT và Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khi gợi ý một số minh chứng.

Thứ nhất: việc yêu cầu photo bằng cấp, chứng chỉ (trước đây) và cập nhật minh chứng lên phần mềm Temis (hiện nay) đang rất máy móc, hình thức, thêm việc cho giáo viên. Bởi lẽ, nếu như khi giáo viên làm hồ sơ tuyển dụng mà không đủ văn văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan chức năng đâu có tuyển dụng?

Khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực và yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương (đối với môn học còn thiếu) thì những giáo viên không đủ chuẩn trình độ đã bị tinh giản hoặc đã được đơn vị cử đi học nâng chuẩn rồi.

Nếu chưa đủ chuẩn thì nhà trường cũng biết, và cũng chỉ nên minh chứng 1 lần. Làm gì năm nào cũng phải minh chứng. Những giáo viên đủ chuẩn trình độ năm nào cũng phải chụp hình tải lên làm minh chứng cho một số tiêu chí liệu có ích lợi gì?

Thứ hai: năm nào nhà trường cũng triển khai cho giáo viên thực hiện việc phân loại viên chức và việc đánh giá, xếp loại viên chức những năm vừa qua theo hướng dẫn của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm học 2023-2024 này sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

Việc đánh giá, phân loại viên trong phạm vi rộng của từng giáo viên trong mỗi năm học qua các mục: Chính trị tư tưởng; Đạo đức, lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Thái độ phục vụ và nhận xét ưu điểm, khuyết điểm, tự đánh giá, xếp loại.

Bên cạnh đó, những nhà giáo là đảng viên còn được kiểm điểm mỗi năm 1 lần và cuối năm còn đánh giá đảng viên thêm 1 lần nữa. Đó là chưa kể, mỗi năm, giáo viên còn được kiểm tra một số chuyên đề nội bộ về các mảng hoạt động giáo dục khác nhau, trong đó có những chuyên đề kiểm tra kế hoạch bài dạy, dự giờ giáo viên...

Vậy, có cần thiết phải đánh giá “đạo đức nhà giáo”; “phong cách nhà giáo”; “xây dựng môi trường giáo dục”; “mối quan hệ giữa nhà trường-gia đình- xã hội” nữa hay không?

Bởi, tất cả các hồ sơ: văn bằng, chứng chỉ; xếp loại viên chức; bồi dưỡng thường xuyên; các quyết định khen thưởng, kỷ luật…đều được lưu trong hồ sơ cá nhân của từng viên chức.

Trong khi, Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT đã gợi ý minh chứng rất nhiều tiêu chí bằng bản đánh giá, xếp loại viên chức. Một khi đã lưu trong hồ sơ cá nhân rồi thì lại phải minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp nữa liệu có cần thiết?

Thực tế cho thấy, kể từ năm 2009 cho đến nay, giáo viên năm nào cũng phải thực hiện việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp nên họ cảm thấy nhàm chán nhưng năm nào giáo viên ở các nhà trường cũng phải thực hiện ở thời điểm cuối năm học.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý cần nghiên cứu thấu đáo việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay. Có cách thức nào hiệu quả, giảm tải cho giáo viên thay vì năm nào cũng phải chụp, chuyển file PDF các loại văn bằng, chứng chỉ, một số kế hoạch giáo dục, phiếu dự giờ, xếp loại viên chức…để làm minh chứng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/15-nam-qua-nam-nao-giao-vien-cung-tim-minh-chung-cho-chuan-nghe-nghiep-post242683.gd