16 ngân hàng giảm gần 9.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm lãi gần 8.000 tỷ đồng, trong khi khối ngân hàng tư nhân thì tỏ ra thận trọng và chỉ áp dụng chính sách giảm lãi hạn chế với các đối tượng thực sự khó khăn do Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15-7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, 16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, LienVietPostbank, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến 31/82021 cho khách hàng 8.865 tỉ đồng, đạt 43% so với cam kết.
Dẫn đầu là các ngân hàng thương mại Nhà nước. Tính đến hết tháng 8, Agribank đã dành hơn 4.700 tỷ đồng để giảm lãi vay cho trên 3 triệu khách hàng. BIDV giảm lãi hơn 1.000 tỷ cho 305.000 khách vay. VietinBank giảm gần 860 tỷ cho gần 303.000 khách vay. Còn tại Vietcombank, số tiền lãi giảm là hơn 950 tỷ, áp dụng cho gần 239.000 khách vay.
Với các nhà băng tư nhân, mức giảm lãi nhỏ hơn đáng kể. Các ngân hàng lớn trong khối tư nhân như Techcombank giảm lãi 155 tỷ đồng, VPBank giảm 137 tỷ đồng, TPBank giảm 83 tỷ đồng… Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ hơn có mức giảm lãi từ vài chục đến vài tỷ đồng.
Trên thực tế, lãi vay đã giảm nhưng không diễn ra đồng loạt mà tùy thuộc vào cam kết và khả năng an toàn vốn của mỗi ngân hàng. Việc giảm lãi vay sẽ tác động trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng, vì vậy không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng miễn giảm. Chính sách giảm lãi do đó tại nhà băng tư nhân thường chỉ được áp dụng với các đối tượng thực sự khó khăn, thay vì trải rộng như nhóm ngân hàng Nhà nước.
Đổi lại, các ngân hàng giảm lãi nhiều cho khách hàng sẽ được NHNN khuyến khích tăng trần tín dụng nhiều hơn. Đđảm bảo các nhà băng thực hiện đúng như cam kết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên giám sát và yêu cầu báo cáo. Những nhà băng giảm lãi suất không thực chất có thể bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế tăng trưởng tín dụng.