16 quốc gia EU yêu cầu nới lỏng quy tắc về ngân sách để tăng chi cho quốc phòng
Truyền thông châu Âu đưa tin, 16 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu yêu cầu được phép tạm thời miễn trừ khỏi các quy định về nợ công của khối để tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách tái vũ trang sau diễn biến phức tạp về địa chính trị bởi cuộc xung đột ở Ukraine và lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về an ninh châu Âu, tháng trước, Ủy ban châu Âu đã tuyên bố sẽ trao cho các quốc gia thành viên nhiều cơ hội hơn trong việc chi tiêu quốc phòng.

Xe tăng Leopard 2 của quân đội Tây Ban Nha tham gia diễn tập năm 2022 . ẢNH: REUTERS
Theo đó, 16 quốc gia gồm Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hy Lạp, Croatia, Latvia, Litva, Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Slovakia và Phần Lan đã đề xuất mong muốn được áp dụng cơ chế linh hoạt tài khóa nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Trong số này, 12 nước đã chính thức nộp yêu cầu lên Ủy ban châu Âu. Cơ chế miễn trừ được đề xuất là EU sẽ cho phép các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 1,5% GDP trong vòng bốn năm mà không sợ vi phạm giới hạn nợ công nghiêm ngặt của EU.
Trước đó, vào tháng 3, EU dự báo việc đình chỉ có thể mở khóa khoản chi tiêu quốc phòng trị giá lên tới 650 tỷ euro. Pháp, Tây Ban Nha và Italia nằm trong số các quốc gia không được miễn trừ mặc dù các nước này đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngày 30/4, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế châu Âu, Valdis Dombrovskis, cho biết EC vẫn đang tiếp nhận các yêu cầu miễn trừ của các quốc gia khác trong khối. Kể từ năm 2021, chi tiêu quân sự của 27 quốc gia thành viên EU đã tăng hơn 31%, đạt 326 tỷ euro vào năm 2024.