16 tỉnh thành phía Nam được hướng dẫn giải pháp đẩy nhanh thi công cao tốc

Bộ Xây dựng hướng dẫn 16 tỉnh thành phía Nam hoàn thiện thủ tục đầu tư và các biện pháp thi công đường bộ cao tốc.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản hướng dẫn 16 tỉnh thành phía Nam sử dụng các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường bộ.

16 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định việc điều chỉnh sử dụng vật liệu gia tải bằng cấp phối đá dăm thay cho cát đắp, không phải là các giải pháp điều chỉnh thiết kế, chỉ là biện pháp thi công, các nhà thầu được chủ động đề xuất, chủ đầu tư xem xét chấp thuận trước khi thực hiện.

 Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Còn việc điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu và kết cấu nền, móng mặt đường thuộc trường hợp điều chỉnh giải pháp thiết kế để phù hợp với thực tế, đảm bảo tiến độ dự án nhưng không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư, thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh thuộc chủ đầu tư.

“Sau khi quyết định việc điều chỉnh, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định…”- Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết nếu việc điều chỉnh giải pháp thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự toán, thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán thuộc chủ đầu tư.

Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán công trình dẫn đến vượt dự toán được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư, chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt.

Trường hợp điều chỉnh dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, chủ đầu tư báo cáo cấp quyết định đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi thực hiện.

Về việc xử lý nền đất yếu, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều phương pháp thi công như sàn giảm tải, trụ đất gia cố xi măng, thoát nước thẳng đứng… mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng.

Chẳng hạn, phương pháp sàn giảm tải thường áp dụng ở các khu vực đường đầu cầu, chiều cao đắp lớn, chiều dày tầng đất yếu lớn. Ưu điểm phương pháp này là thi công nhanh, có thể đắp nền và thi công móng mặt đường ngay do không cần thời gian chờ lún, không bị lún trong giai đoạn khai thác nhưng nhược điểm là giá thành khá cao so với các giải pháp khác.

Phương pháp trụ đất gia cố xi măng thường áp dụng ở các khu vực đường đầu cầu, chiều cao đắp lớn, chiều dày tầng đất yếu không quá lớn. Giải pháp này có ưu và nhược điểm tương tự như giải pháp sàn giảm tải.

Đối với giải pháp xử lý đất yếu thông qua giải pháp thoát nước thẳng đứng (bấc thấm hoặc giếng cát kết hợp gia tải) thường áp dụng ở khu vực nền đắp với chiều cao đắp không lớn, chiều dày tầng đất yếu không quá lớn.

Ưu điểm phương pháp trên là giá thành rẻ hơn so với các giải pháp sàn giảm tải, trụ đất gia cố xi măng, hút chân không. Nhược điểm là thời gian chờ lún kéo dài từ 8-12 tháng…

Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải khảo sát kỹ điều kiện địa hình, địa chất khu vực thi công để áp dụng cho phù hợp với từng nơi.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/16-tinh-thanh-phia-nam-duoc-huong-dan-giai-phap-day-nhanh-thi-cong-cao-toc-post848423.html