160 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh, cách nào phân biệt thật, giả?
Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao nên cái bẫy dành cho người mua cũng rất nhiều, đã có không ít người bỏ ra một số tiền cực lớn nhưng không biết rằng mình đang sử dụng sâm Ngọc Linh giả.
Những năm gần đây, khi được biết đến là một trong những loài dược liệu quý nhất thế giới, có nhiều công dụng cho sức khỏe, sâm Ngọc Linh có giá bán rất cao trên thị trường. Tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 đang diễn ra tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi được coi là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh, giá bán dao động từ 70 triệu đến 160 triệu đồng/kg sâm, tùy vào độ tuổi của củ.
Chính vì giá trị kinh tế cao như vậy nên những năm gần đây, tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả diễn ra tràn lan. Ngày 1-8, tại lễ hội sâm Ngọc Linh, tổ kiểm định cũng đã loại bỏ hơn 2 kg nghi ngờ không phải sâm Ngọc Linh thật của một doanh nghiệp định tuồn vào hội chợ (hiện số sâm nghi giả này đang được lấy mẫu kiểm định để biết chính xác).
Điều đáng chú ý là một số loài dược liệu như cây tam thất hay củ sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sâm Lai Châu lại có hình dạng khá giống với sâm Ngọc Linh. Kẻ xấu thường giăng ra nhiều chiếc bẫy để lừa người tiêu dùng "ngoại đạo", không rành về loài dược liệu này.
Điều khác biệt lớn nhất giữa sâm Ngọc Linh và những loài dược liệu khác là hợp chất saponin trong sâm Ngọc Linh nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, để xác định được hàm lượng hợp chất saponin thì cần phải có máy móc kiểm định. Thậm chí, hiện nay kẻ xấu còn mang những củ tam thất hoặc sâm Trung Quốc đi kiểm định, xác định "có hàm lượng sâm Việt Nam" trong "củ sâm" để đánh lừa người tiêu dùng. Trên thực tế, củ tam thất hay sâm Trung Quốc đều có một số hợp chất chứa trong củ sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) nhưng rất ít.
Hiện nay, máy kiểm định sâm Ngọc Linh khá đắt đỏ nên người bán, người mua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tin tưởng lẫn nhau. Ngay tại thủ phủ sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng vẫn chưa đầu tư máy móc để kiểm định sâm. Tổ kiểm định sâm Ngọc Linh tại hội chợ sâm được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng cũng chỉ dựa vào "máy kiểm định chạy bằng cơm".
Vậy, cách nào để những người tiêu dùng "ngoại đạo" có thể phân biệt được sâm Ngọc Linh thật, giả bằng mắt thường để tránh "tiền mất tật mang"? Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực buôn bán, trồng và nghiên cứu sâm Ngọc Linh, củ sâm Ngọc Linh thật thường có những mắt cây so le nhau, ngược lại tam thất thì mắt nằm về một hướng. Rễ sâm Ngọc Linh mềm mại, dễ dàng xoắn vào nhau còn rễ tam thất cứng và có xu hướng mọc thẳng đứng, cắm thẳng xuống đất. Rễ sâm Ngọc Linh có vị đắng ngọt còn rễ tam thất có vị đắng chát. Phần củ sâm Ngọc Linh ở phía trên mặt đất màu xanh đen, dưới mặt đất màu vàng.
Để dễ dàng phân biệt giữa sâm Ngọc Linh giả và những cây khác thì cần mua những cây sâm còn lá tươi. Nếu lá sâm Ngọc Linh chuẩn Quảng Nam có hình bầu, sâm Lai Châu hoặc sâm Trung Quốc lá dài tựa lá sắn, gân lá màu trắng chứ không xanh như sâm Ngọc Linh, gai lá to hơn gai lá của sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh có 5 lá, tam thất thì có 7 lá. Lá sâm Ngọc Linh có 2 lớp lông ở cả mặt trên và dưới, tam thất thì chỉ có lông ở trên, lá sâm Ngọc Linh mỏng còn lá tam thất khá dày.
Tại tỉnh Quảng Nam, hội chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức 3 ngày đầu tháng, được chính quyền địa phương cam kết nguồn gốc, chất lượng. Người có nhu cầu có thể trực tiếp đến hội chợ để có thể mua những củ sâm chính gốc để sử dụng đảm bảo an toàn.
Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm trúc, củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam , mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rôn g tỉnh Kon Tum , huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam .
Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.