18% khách có ôtô nhưng vẫn chọn Metro Cát Linh - Hà Đông để đi lại
Trong 35 ngàn hành khách của Metro Cát Linh - Hà Đông mỗi ngày, có 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác
Để chống ùn tắc cho Thủ đô Hà Nội và TP HCM, nên cấm phương tiện cá nhân hay trước tiên tập trung đầu tư, phát triển, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng và giao thông công cộng?
Đây là vấn đề được TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nêu tại hội thảo giải bài toán giao thông đô thị do Báo Lao Động tổ chức ngày 22-5.
Theo ông Thủy, hiện có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về các biện pháp phát triển giao thông đô thị vì mục tiêu chống ùn tắc, đảm bảo sự đi lại an toàn, thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc cấm và hạn chế xe cá nhân sẽ tác động xấu đến kinh tế - xã hội.
Trong trường hợp cấm phương tiện cá nhân, ông Thủy cho rằng việc đáp ứng nhu cầu về phương tiện công cộng là bài toán lớn hiện nay. Cụ thể, hiện phương tiện công cộng chỉ đảm bảo 10%-12%.
Với tốc độ gia tăng dân số nhanh, theo ông Thủy, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội và TP HCM dù liên tiếp được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ với 12-18/ triệu lượt đi lại mỗi ngày. Mặt khác, mạng lưới xe buýt còn nhiều vấn đề cần khắc phục, trong khi nhiều tuyến đường sắt đô thị (Metro) chậm tiến độ, đội giá.
TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh các giải pháp hành chính nhằm cấm xe máy chỉ là những biện pháp tình thế. Ông Thủy cho biết có nhiều câu hỏi cũng được đặt ra tại sao không cấm ôtô mà lại cấm xe máy, khi ôtô cá nhân với mức chiếm dụng đường gấp 5-7 lần xe máy, gấp 20-50 lần xe công cộng, đây mới là tác nhân chính của nạn ùn tắc giao thông hiện nay trên thế giới.
Để chống ùn tắc, thay vì cấm xe cá nhân, cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông như nâng cấp các trục đường chính, xây dựng cầu vượt, đường ngầm ở các ngã tư, sớm xóa các điểm đen giao thông, mở rộng, khai thông các cửa ngõ thành phố.
Cùng với đó, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị. "Hệ thống metro ngầm nếu được quy hoạch và chọn hướng tuyến tốt, cho phép giảm đáng kể phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm lớn nhất quỹ đất dành cho giao thông"- ông Thủy cho hay, đồng thời đề xuất quy hoạch, kiến trúc đô thị phải gắn liền với giao thông. Theo đó, giãn dân ra các đô thị vệ tinh, hạn chế xây nhà cao tầng ở khu lõi đô thị để giảm áp lực dân số.
Vị chuyên gia giao thông nêu rõ khi mạng lưới giao thông công cộng hoàn thiện và kết nối tốt giữa đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, xe buýt, taxi, phương tiện cá nhân, thì mới từng bước áp dụng một số biện pháp hành chính thích hợp nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân.
Hiện tại ở Hà Nội, Metro Cát Linh - Hà Đông là tuyến duy nhất đang khai thác, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách. Theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro, trong 35 ngàn hành khách, có 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.
Ông Trường cho biết trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của Tuyến thì hiện nay người dân đã chấp nhận đi bộ để tiếp cận các nhà ga và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga. "Theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ôtô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến"- ông Vũ Hồng Trường cho hay.
Tổng Giám đốc Hà Nội Metro cho rằng phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt đường sắt đô thị là phương tiện thân thiện và an toàn. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là với các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như ở Việt Nam hiện nay.