180 lá thư giúp nhà văn nghèo chinh phục con gái út của ông trùm than đá giàu có
Nhà văn Mỹ Mark Twain thầm thương trộm nhớ ngay khi nhìn thấy tấm ảnh cô con gái út của ông trùm than đá giàu có. Trong 17 tháng, ông viết hơn 180 lá thư cho Olivia Langdon.
Mark Twain kết hôn với Olivia Langston vào năm 1870 khi ông 34 tuổi. Để có được tình yêu, ông phải trải qua không ít khó khăn, cản trở. Ông gọi bà với cái tên thân mật là Livy.
Trong suốt cuộc đời mình, Mark Twain chỉ yêu tha thiết Olivia Langdon - người mà ông từng nói: "Chúa tạo ra nàng chỉ để dành tặng riêng tôi".
Yêu ngay lần đầu nhìn thấy ảnh chân dung
Thời trai trẻ, với máu phiêu lưu, Mark Twain đã bỏ học và theo nghề lái tàu thủy để chu du khắp nơi. Ông gặp Charley Langdon, anh trai của Olivia, vào năm 1867 trong một chuyến đi kéo dài hơn 5 tháng trên biển.
Một hôm, trên con tàu đang chống chọi lại những con sóng dữ tợn của Đại Tây Dương, Charley làm rơi bức ảnh của em gái và Mark Twain nhìn thấy. Một luồng điện như chạy qua người ông vào giây phút ấy. Ông khẳng định trái tim ông đã thuộc về cô gái trong ảnh.
Cô gái ấy không hẳn là một tuyệt sắc giai nhân, nhưng có đôi mắt màu ngọc bích thông minh, gương mặt thanh tú. Đại văn hào tương lai của nước Mỹ trằn trọc mất ngủ suốt đêm.
Đó là Olivia, con gái út của ông trùm than đá giàu có vùng Elmira, thông minh, giỏi giang. Trong khi đó, Mark Twain lớn lên trong nghèo khó, bỏ học năm 12 tuổi.
Cô là người ngoan ngoãn, dịu dàng, trong khi anh là một người đàn ông thô kệch, hút thuốc, uống rượu, sống chu du trên biển.
Sau lần đầu hình thấy bức ảnh, Mark Twain luôn tìm cơ hội để gặp gỡ Livy. Một hôm, Charley mời ông đến dùng bữa với gia đình ở New York và đây là lần đầu tiên ông gặp người tình trong mộng của mình.
Ông nhanh chóng làm quen, bắt chuyện với cô. Vài ngày sau, ông chủ động đến thăm Livy tại nhà. Ông ở lại trong 12 giờ.
Tình cảm của Mark Twain dành cho Livy ngày càng sâu đậm. Ông thường xuyên viết thư gửi người yêu nhưng luôn bị cô từ chối. Cô chỉ đồng ý trao đổi thư từ với Mark Twain với tư cách là anh em. Trong 17 tháng, ông đã viết hơn 180 lá thư.
Sau nhiều lần giãi bày tình cảm, cuối cùng ông cũng nhận được cái gật đầu đồng tình của người yêu. Họ viết thư cho nhau nhiều hơn nhưng lúc này gia đình Livy lại cản trở họ đến với nhau.
Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, Livy vẫn tiếp tục gặp gỡ Mark Twain. Cô cố gắng hướng dẫn, nâng cao trình độ của bạn trai. Trong khi đó, Mark Twain cũng cố gắng thay đổi bản thân, bỏ rượu và chăm chỉ đi nhà thờ.
Cuối cùng, cặp đôi được gia đình chấp nhận và kết hôn vào năm 1870.
Thăng hoa cùng tình yêu
Sau khi kết hôn, bố vợ ông đã cung cấp rất nhiều tiền bạc cho cặp vợ chồng mới cưới. Ông còn mua cho họ một ngôi nhà ở Buffalo, New York, có cả người hầu.
Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, tình yêu thăng hoa. Sau khi kết hôn, sức sáng tác của Mark Twain càng lớn, nhờ cảm hứng và sự động viên của người vợ hiền Livy.
Vợ cũng là người tích cực tham gia công việc viết lách của chồng. Ông để những trang bản thảo bên giường để bà đọc và xem lại.
Ông tin rằng nếu không có vợ, những tác phẩm quan trọng nhất của ông, như Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn sẽ không bao giờ được viết. "Tôi chưa bao giờ viết một lời nghiêm túc nào cho đến khi cưới cô ấy. Sau khi kết hôn, cô ấy đã chỉnh sửa mọi thứ tôi viết", ông chia sẻ.
Dù sức khỏe không tốt nhưng Livy vẫn cố gắng đảm nhận lo toan công việc nhà, chăm sóc con cái. Ở nhà, Livy thường xuyên đọc truyện của chồng cho con cái nghe. Cả hai vẫn hết lòng vì nhau trong suốt cuộc hôn nhân.
Bi kịch gia đình
Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn may mắn, hạnh phúc. Nỗi đau khổ của Mark Twain bắt đầu từ con cái.
Không lâu sau cuộc hôn nhân, người con trai đầu lòng chết vì bệnh tật lúc 19 tháng tuổi. Nhiều năm sau, con gái Susy của họ qua đời ở tuổi 24 vì bệnh viêm màng não. Một cô con gái khác, Jean, chết vì bệnh động kinh ở tuổi 29. Chỉ có một cô con gái, Clara, sống sót. Bà kết hôn với một nhạc sĩ và sống đến 88 tuổi.
Nỗi đau lớn nhất của Mark Twain xảy đến khi bà Livy qua đời vào năm 1904 vì bệnh suy tim. Sau cái chết của vợ, ông cảm thấy khổ sở vô cùng. Bản thân ông như rơi vào vực thẳm.