2 đại học hàng đầu châu Á làm bệ phóng đưa sinh viên vào hàng ngũ siêu giàu thế giới
Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) là hai trường đại học hàng đầu châu Á về số lượng cựu sinh viên siêu giàu trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của Altrata. Tuy nhiên, các trường đại học Mỹ thống trị bảng xếp hạng toàn cầu, dẫn đầu là Harvard với 18.000 cựu sinh viên siêu giàu.
Altrata (có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) là công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và siêu cao. Công ty này tổng hợp, xác minh và phân tích thông tin chi tiết về những người giàu có trên toàn thế giới để phục vụ cho các mục đích như phát triển kinh doanh, tiếp thị chiến lược, quản lý tài sản và gây quỹ từ thiện.
Altrata được hình thành từ sự sáp nhập của một số công ty dữ liệu và nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Wealth-X, BoardEx, RelSci, và WealthEngine. Với cơ sở dữ liệu toàn cầu, Altrata cung cấp thông tin chi tiết về tài sản và nguồn thu nhập, hành vi tiêu dùng và đầu tư, mối quan hệ cá nhân và kinh doanh, lịch sử học tập và nghề nghiệp.
Khách hàng của Altrata gồm các tổ chức tài chính, trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận, công ty dịch vụ cao cấp và doanh nghiệp cần tiếp cận hoặc hiểu rõ về giới siêu giàu.
Theo báo cáo được Altrata công bố hôm 14.5, Đại học Quốc gia Singapore có khoảng 3.400 cựu sinh viên thuộc nhóm UHNWIs (cá nhân có giá trị tài sản ròng siêu cao), tức những người sở hữu khối tài sản ít nhất 30 triệu USD. Đại học Thanh Hoa đã đào tạo khoảng 1.400 cá nhân như vậy.
Đại học Quốc gia Singapore đứng thứ 17 toàn cầu và xếp thứ 3 nếu loại trừ các trường đại học Mỹ. Đại học Thanh Hoa xếp đồng hạng 6 với Đại học Manchester (Anh) ở bảng xếp hạng ngoài Mỹ, nhưng lại không nằm trong top 20 toàn cầu, theo báo cáo.

Sinh viên vui mừng tại lễ tốt nghiệp của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images
Các trường đại học Mỹ chiếm ưu thế trong danh sách toàn cầu, đứng đầu là Đại học Harvard với khoảng 18.000 cựu sinh viên siêu giàu, tương đương 4% trong tổng số khoảng 483.500 UHNWIs trên toàn thế giới. Trong top 20 đại học hàng đầu, có đến 17 trường thuộc Mỹ, gồm cả Đại học Pennsylvania xếp thứ 2 với 9.300 cựu sinh viên siêu giàu, Đại học Stanford đứng thứ 3 với khoảng 8.400 người.
“Tổng số cựu sinh viên siêu giàu từ toàn bộ 20 trường đại học ngoài nước Mỹ, ước tính khoảng 34.400 người, vẫn thấp hơn tổng số chỉ riêng ba trường hàng đầu tại Mỹ”, nhóm tác giả Maya Imberg, Maeen Shaban và Bettina Lengyel thuộc Altrata nhận định trong báo cáo.
“Điều này phản ánh vị thế của Mỹ là nước có nhiều người siêu giàu nhất thế giới, đồng thời nhấn mạnh uy tín học thuật và sức hấp dẫn mạnh mẽ của hệ thống giáo dục đại học Mỹ, nơi có rất nhiều trường danh giá tạo nên con đường rõ ràng và vững chắc dẫn đến sự giàu có”, báo cáo của Altrata cho hay.
Trong số các trường ngoài Mỹ, Đại học Oxford và Đại học Cambridge (đều ở Anh) dẫn đầu với khoảng 4.900 và 4.700 cựu sinh viên siêu giàu, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 7 bảng xếp hạng toàn cầu.
Top 20 ngoài Mỹ còn gồm cả 6 trường đại học khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Delhi và Đại học Mumbai (đều thuộc Ấn Độ) đồng hạng 9 (cùng với Đại học McGill ở Canada) với 1.200 cựu sinh viên siêu giàu mỗi trường.
Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), Đại học New South Wales và Đại học Sydney (đều ở Úc) đồng hạng 15 (cùng với American University of Beirut ở Li Băng và Trường Kinh doanh London tại Anh) với 900 cựu sinh viên siêu giàu mỗi trường.
"25% cựu sinh viên siêu giàu học ngành ngân hàng và tài chính"
Ngành ngân hàng và tài chính là lĩnh vực chuyên môn chính của khoảng 25% cựu sinh viên siêu giàu tốt nghiệp trong 20 năm qua, theo báo cáo.
“Tuy nhiên, ngành tài chính không còn chiếm ưu thế tuyệt đối như trước đây (chiếm 29%) trong việc sản sinh ra những người siêu giàu. Những cải tổ và quy định nghiêm ngặt hơn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thu hẹp quy mô và ảnh hưởng của ngành này, song đây vẫn là động lực lớn trong việc tạo ra sự giàu có”, trích báo cáo của Altrata.
Cựu sinh viên siêu giàu làm việc trong ngành công nghệ tăng mạnh
Trong khi đó, tỷ lệ cựu sinh viên siêu giàu làm việc trong ngành công nghệ gần như tăng gấp đôi, với khoảng 1/10 trong số họ dành phần lớn thời gian sự nghiệp để phát triển sản phẩm, dịch vụ và đổi mới liên quan đến công nghệ, theo Altrata.
“Khả năng tạo ra lợi nhuận lớn, có thể mở rộng trong một lĩnh vực có rào cản gia nhập thấp và ứng dụng kỹ thuật số xuyên biên giới là viễn cảnh hấp dẫn, đặc biệt với tầng lớp giàu có đang gia tăng nhanh chóng ở châu Á và các thị trường mới nổi đông dân khác”, báo cáo của Altrata phân tích về ngành công nghệ.
Trong số 20 người giàu nhất thế giới hiện nay theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú của Bloomberg), có 14 tỉ phú người Mỹ, 2 người Pháp, 2 người Ấn Độ, 1 người Tây Ban Nha và 1 người Mexico. Đáng chú ý là 10 người trong top 20 là tỷ phú công nghệ, với 5 cái tên đứng đầu bảng xếp hạng gồm:
1. Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX).
2. Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon).
3. Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms).
4. Larry Ellison (Chủ tịch Oracle).
5. Bill Gates (nhà đồng sáng lập Microsoft).

Bảng xếp hạng 20 người giàu nhất thế giới hiện nay theo Bloomberg Billionaires Index, trong đó có đến 10 tỷ phú công nghệ - Ảnh chụp màn hình