2 loại trái cây gây tăng cân nhanh hơn cơm trắng

Trái cây là lựa chọn rất tốt trong chế độ ăn lành mạnh, cung cấp các vitamin, chất xơ... rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, có một số trái cây dễ gây tăng cân, nếu đang thực hiện chế độ giảm cân thì cần cân nhắc khi ăn những loại trái cây này.

1. Vì sao ăn xoài chín dễ gây tăng cân?

Mặc dù xoài chứa ít chất béo nhưng vẫn có thể gây tăng cân bởi hàm lượng calo và đường cao. Hơn nữa, đây là loại quả thơm ngon, ngọt dịu và dễ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn nên khó kiểm soát khẩu phần ăn. Theo đó:

- Hàm lượng đường tự nhiên cao: Đây là nguyên nhân chính khiến ăn xoài chín dễ gây tăng cân. Khi xoài chín, lượng tinh bột trong quả chuyển hóa thành đường tự nhiên (fructose, glucose và sucrose), làm tăng độ ngọt, đồng thời cũng làm tăng lượng calo.

Một quả xoài chín khoảng 200 g có thể chứa tới 30-45 g đường và cung cấp khoảng 135-150 calo. Hàm lượng này tương đương hoặc cao hơn lượng calo có trong 1 bát cơm trắng. Hàm lượng này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ chín và loại xoài. Ví dụ, một quả xoài cát Hòa Lộc chín có lượng đường và calo cao hơn các loại xoài khác.

Xôi xoài là món ăn chứa nhiều calo và chất béo dễ gây tăng cân...

Xôi xoài là món ăn chứa nhiều calo và chất béo dễ gây tăng cân...

Khi tiêu thụ một lượng lớn đường, đặc biệt là không kết hợp với hoạt động thể chất đủ để đốt cháy năng lượng, cơ thể sẽ lưu trữ lượng đường dư thừa dưới dạng chất béo, dẫn đến tăng cân.

- Dễ ăn quá lượng: Xoài có vị ngọt thanh và mùi thơm kích thích, hấp dẫn. Do vậy nhiều người có thể ăn hết 1 quả xoài ngay sau bữa ăn chính mà không nhận ra lượng calo mình đã nạp vào. Hơn nữa, xoài còn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác. Những món này thường đi kèm với lượng đường, sữa, hoặc các nguyên liệu giàu calo. Ví dụ:

Chè xoài thường thêm đường, nước cốt dừa, sữa đặc.
Sinh tố xoài thường kết hợp với sữa tươi, sữa đặc, đường.
Trong món xôi xoài, gạo nếp và nước cốt dừa làm tăng lượng calo và chất béo.
Kem xoài có lượng đường và chất béo rất cao.

Những món ăn này rất ngon miệng, khiến nhiều người không để ý mà ăn thêm một ít cũng khiến chúng trở thành "kẻ thù" của cân nặng.

Cách ăn xoài mà vẫn kiểm soát được cân nặng

Xoài chín rất thơm ngon và giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong 100 g xoài chín có chứa các hàm lượng dinh dưỡng:

Khoảng 60 - 65 calo
Khoảng 15 - 17 g carbohydrate (chủ yếu là đường tự nhiên như fructose, glucose, sucrose)
Khoảng 1,6 - 2,6 g chất xơ
Khoảng 0,8 - 1,4 g chất đạm
Khoảng dưới 0,5 g chất béo, trong đó hầu như không có cholesterol và chất béo bão hòa)
Khoảng 36 - 46 mg vitamin C. Đây là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, giúp tổng hợp collagen cho da và hỗ trợ hấp thu sắt.
Cung cấp khoảng 25% vitamin A cho nhu cầu hàng ngày. Vitamin A quan trọng cho thị lực, sức khỏe da, và chức năng miễn dịch.
Ngoài ra còn có một lượng nhỏ các vitamin B6, vitamin B5, vitamin E, vitamin K, vitamin B9. Hàm lượng nhỏ các khoáng chất như kali, magie, đồng, canxi, sắt, mangan, selen cùng nhiều hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa khác.

Nhờ hàm lượng dinh dưỡng phong phú, xoài mang lại nhiều lợi ích như:

Tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho thị lực, làm đẹp da... Do đó không nên vì e ngại tăng cân mà loại bỏ xoài chín ra khỏi khẩu phần ăn. Để thưởng thức xoài chín mà không lo tăng cân, nên:

Kiểm soát khẩu phần, chỉ nên ăn ½ quả xoài cỡ vừa mỗi lần.
Ăn trực tiếp, hạn chế các món chế biến từ xoài có thêm đường, sữa.
Nên ăn vào buổi sáng hoặc giữa buổi chiều để có thời gian đốt cháy năng lượng. Không nên ăn vào buổi tối.
Đảm bảo chế độ ăn uống tổng thể cùng lượng calo tiêu thụ trong cả ngày. Chế độ ăn cân đối có đủ rau xanh, protein và các loại trái cây ít đường khác.

2. Cùi dừa giàu chất béo và hàm lượng calo cao

Cùi dừa là lớp ruột trắng, đặc trưng bởi vị béo ngậy, ngọt nhẹ và thơm. Trong 100 g cùi dừa có chứa:

354 calo, hàm lượng calo này cao hơn khoảng 3 lần 1 bát cơm trắng.
3,3 g chất đạm
15,23 g carbohydrates
6,23 g đường
9 g chất xơ
33, 49 g chất béo. Trong đó có 29,7 g chất béo bão hòa, 1.43 g chất béo không bão hòa đơn và 0,37 g chất béo không bão hòa đa.
Ngoài ra còn có các vitamin cùng các khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Cùi dừa cũng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như mứt dừa, xôi dừa, chè dừa, kem dừa, cùi dừa kho, cùi dừa rang thịt... Đặc biệt là nước cốt dừa thường có mặt trong rất nhiều món ăn vặt, đồ uống khác nhau.

Cùi dừa có trong nhiều món ăn, cần lưu ý lượng calo và chất béo khi nạp vào cơ thể.

Cùi dừa có trong nhiều món ăn, cần lưu ý lượng calo và chất béo khi nạp vào cơ thể.

Chất béo có trong cùi dừa chủ yếu là chất béo bão hòa. Khi được tiêu thụ, sẽ được hấp thụ trọn vẹn ở ruột non để cơ thể sử dụng sản xuất năng lượng. Các chất béo này sẽ gây tích tụ mỡ dưới da và nội tạng mà không được đào thải ra ngoài. Từ có có thể gây tăng cân và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Cách ăn cùi dừa mà không lo vấn đề tăng cân

Để ăn các món được chế biến từ cùi dừa mà không gây tăng cân, cần chú ý:

- Yếu tố quan trọng nhất là phải kiểm soát khẩu phần ăn, chỉ nên ăn khoảng 10 g mỗi lần. Khi ăn chè hoặc các món ăn có cùi dừa, nước cốt dừa, chỉ nên dùng cốc nhỏ để kiểm soát lượng ăn vào.

- Nên dùng cùi dừa tươi, còn non vì cùi dừa già hoặc khô sẽ có hàm lượng chất béo, calo và đường cao hơn cùi dừa tươi non.

- Cân đối hàm lượng calo trong ngày để không bị tiêu thụ cao hơn lượng tiêu hao.

- Kết hợp với các thực phẩm giúp no lâu và ít calo.

- Không ăn vào buổi tối vì dễ bị đầy bụng và cơ thể không kịp tiêu hao năng lượng.

- Không nên thêm cùi dừa hoặc nước cốt dừa vào các món đã có đường, sữa đặc.

- Không ăn cùi dừa được chế biến có thêm dầu mỡ như dừa rang, bánh cùi dừa...

Tại sao dù nhịn ăn vẫn không thể giảm cân?

CN. Quỳnh Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/2-loai-trai-cay-gay-tang-can-nhanh-hon-com-trang-1692507211049381.htm