2 năm làm thủ tướng, ông Olaf Scholz đã thay đổi nước Đức như thế nào?
Ngày 8/12/2021, ông Olaf Scholz, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) tuyên thệ nhậm chức thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel, người lãnh đạo nước Đức trong 16 năm trước đó. Một giai đoạn mới bắt đầu.
Thay đổi chính sách
Chiến tranh nổ ra trên đất châu Âu chỉ 2 tháng sau khi ông Scholz nhậm chức đã làm thay đổi nước Đức. Vào cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Scholz có bài phát biểu quan trọng trước quốc hội, kêu gọi một “sự thay đổi mang tính lịch sử” đối với chính sách đối ngoại của Đức và cam kết chi 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội, đồng thời hỗ trợ Ukraine và chấm dứt sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga.
Ông Scholz đã không phóng đại khi gọi cam kết này là một sự thay đổi lớn. Đó là sự kết thúc đột ngột đối với đường lối ôn hòa trong nhiều thập kỷ và đã khơi dậy những cuộc tranh luận về lịch sử, bản sắc, vai trò của Đức trên thế giới. Sự đột phá lớn đến mức khiến những người ủng hộ quan điểm này cũng bị sốc. Ông Rasha Nasr, nghị sĩ tại Dresden, khi trả lời phỏng vấn của Euronews đã nói: “Nhiều người trong chúng tôi - thực tế là gần như tất cả chúng tôi - không biết rằng ông Scholz sẽ kêu gọi tài trợ 100 tỷ euro cho các lực lượng vũ trang. Tôi đã bị sốc!”.
Trong nhiều thập kỷ, Đức chậm đầu tư vào quân sự và ngần ngại gửi vũ khí tới các cuộc xung đột đang diễn ra. Cách tiếp cận này được rút ra từ những bài học về sự khủng khiếp của Thế chiến 2. Dư luận Đức từ lâu hoài nghi việc mở rộng quân đội bất chấp chỉ trích từ các đồng minh. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đã “ép” Thủ tướng Scholz thay đổi. Ngoài khoản phân bổ 100 tỷ euro một lần để phục hồi quân đội Đức, Thủ tướng Scholz còn cam kết đáp ứng hướng dẫn của NATO về chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Một pha đảo chiều ngoạn mục khi chỉ một năm trước đó chính phủ của bà Merkel đã đưa ra kế hoạch giảm chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn 2021-2023. Kết thúc năm 2022, với khoản chi 55 tỷ euro, Đức đã dành 1,5% GDP cho hoạt động quốc phòng, năm 2023 là 1,6% và mục tiêu đến năm 2024 sẽ đạt mức 2% đề ra.
Thế nhưng, đằng sau phản ứng mạnh mẽ này thì chính phủ của ông Scholz vẫn bị coi là quá “dè dặt” khi đưa ra các gói ủng hộ Ukraine. Việc Đức ngăn chặn các nước đồng minh chuyển giao xe tăng và vũ khí hạng nặng do mình sản xuất cho Ukraine trong thời gian dài đã nhận khá nhiều chỉ trích. Ông Scholz đã thể hiện sự thận trọng của mình trong cách tiếp cận vấn đề này. Nhưng, dần dần, ông cũng thay đổi quan điểm. Đến lúc này Đức đang là nhà ủng hộ lớn thứ hai của quân đội Ukraine (chỉ sau Mỹ). Cam kết mới nhất cho thấy Đức sẵn sàng cho một kế hoạch hỗ trợ quân đội Ukraine tới năm 2027 trị giá tới 8 tỷ euro bao gồm cả việc sản xuất vũ khí cho quốc gia này.
Cải cách và tranh chấp bên trong
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng để lại hệ quả lớn trong giai đoạn cầm quyền vừa qua. Trong suốt 2 thập kỷ trước đó, khí đốt giá rẻ của Nga đã hỗ trợ kinh tế Đức tăng trưởng mạnh thì nay trở thành “cú đấm” với chính phủ mới của ông Scholz.
Nước Đức buộc phải tìm nguồn thay thế và đã phải tham gia thị trường toàn cầu một cách gấp gáp. Chi phí năng lượng gia tăng chóng mặt kèm theo đó là lạm phát đã dìm nền kinh tế Đức lún sâu vào khủng hoảng. Theo bảng xếp hạng năm 2022 của Viện nghiên cứu kinh tế ZEW, Đức chỉ xếp ở vị trí thứ 18/21 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới. Trong khi cả 5 viện nghiên cứu kinh tế của Đức đều dự đoán năm 2023, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng âm từ 0,4-0,6% khiến cho nước này trở thành nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 tăng trưởng âm năm nay.
Không thể phủ nhận khó khăn lớn của ông Scholz khi đang phải điều hành một chính phủ quá đa dạng. Liên minh cầm quyền hiện tại tập hợp 3 đảng có sự chia rẽ về hệ tư tưởng. Đảng SDP là một đảng tiến bộ trung tả với mong muốn cải cách. Đảng Xanh tin vào sự can thiệp nhất định của nhà nước, đặc biệt là khi nói đến quá trình chuyển đổi năng lượng, tuy nhiên đảng Dân chủ Tự do (FDP) lại tin vào chủ nghĩa tự do kinh tế. Vào tháng 5/2023, những bất đồng giữa các bên đã nổ ra khi dự luật giảm lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch được đưa ra. FDP chặn dự thảo luật, mặc dù trước đó đã phê duyệt nó. FDP chỉ trích cách tiếp cận của đảng Xanh đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, trong khi đảng Xanh phản ứng dữ dội và cáo buộc FDP là đối tác không đáng tin cậy.
Các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục làm chệch hướng một số mục tiêu lập pháp. Vào tháng 8, liên minh đã không đạt được thỏa thuận về một đạo luật cung cấp khoản giảm thuế doanh nghiệp nhằm phục hồi tăng trưởng trong nước. Cuộc chiến công khai này đã đặt ra câu hỏi đối với Scholz là liệu ông có nắm quyền kiểm soát chính phủ của mình hay không. Hai cuộc bầu cử bang gần đây với chiến thắng của phe đối lập là lời cảnh báo tới khả năng tiếp tục cầm quyền lâu dài của “liên minh đèn giao thông” này.
Nhưng, không thể phủ nhận kể từ khi nắm quyền, chính phủ của ông Scholz đã thực hiện nhiều chương trình xã hội lớn như nâng lương tối thiểu lên 12 euro/giờ giúp tăng lương cho hơn 6 triệu người, xóa bỏ đạo luật cấm “quảng cáo” phá thai từ những năm 1940 hay thậm chí là cải cách luật bầu cử quốc hội. Chương trình thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp gây tranh cãi từ năm 2003 của chính phủ Gerhard Schroder cũng được loại bỏ.
Một loạt chương trình mới cũng đang được triển khai như hợp pháp hóa cần sa và cải cách quá trình nhập tịch của Đức vào cuối năm 2023. Những quyết định này cho thấy tham vọng cải cách mạnh mẽ của Thủ tướng Scholz. Theo đánh giá của Quỹ Bertelsmann, chính phủ của ông Scholz đã làm tốt về tổng thể. Các nhà nghiên cứu thống kê 453 lời hứa mà chính phủ đưa ra cách đây 2 năm và nhận thấy rằng gần 2/3 lời hứa đã được thực hiện đầy đủ hoặc ít nhất là đang được thực hiện. Những con số phản ánh đúng tính cách chuẩn mực chính xác của “cỗ máy Scholz”.
Vai trò của nước Đức ở châu Âu
Tháng 4/2022, khi chính phủ của ông Scholz sử dụng "lá chắn phòng thủ" trợ cấp 200 tỷ euro nhằm hãm giá gas và điện khẩn cấp trong nước đã làm bùng lên một cuộc tranh cãi trong EU. Đức là quốc gia giàu có với nguồn tài chính dồi dào nên đã đi trước các nước khác khi chưa có một kế hoạch chung của EU. Sự việc này tiêu biểu cho một sự thay đổi khác dưới thời ông Scholz. Giờ đây, có vẻ như Đức đang đi theo con đường riêng của mình thay vì đóng vai trò dẫn dắt ở châu Âu như khi bà Merkel nắm quyền.
Giáo sư Aaron Allen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu nói: “Khi bà Merkel còn nắm quyền, bà nhận được nhiều sự tôn trọng và được coi là người bảo vệ trật tự quốc tế”. Hình ảnh của bà Merkel chính là hình ảnh của một nước Đức sẵn sàng lãnh trách nhiệm gánh vác EU. Vì thế, những phản ứng của ông Scholz đã làm tổn hại đến hình ảnh này. Mối quan hệ Pháp - Đức, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định của châu Âu, cũng “đặc biệt căng thẳng” trong giai đoạn vừa qua. “Ông Scholz là người kém khéo léo hơn hoặc chưa đủ kinh nghiệm để tạo dựng mối quan hệ cá nhân với các nguyên thủ quốc gia khác, điều mà bà Merkel đã làm rất tốt”, ông Jeremy Ross, chuyên gia về quan hệ Pháp - Đức tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức nhận xét.
Trong khi một số quyết định của Scholz, như cam kết quân sự hóa, được các đồng minh châu Âu hoan nghênh, thì việc thực hiện chúng lại vấp phải chỉ trích. Ông Ross cho biết: “Những chương trình chi tiêu lớn mới như quỹ 100 tỷ euro cho lực lượng vũ trang hoặc 200 tỷ euro cho giới hạn giá năng lượng và trợ cấp hộ gia đình, được coi là không có sự phối hợp”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang độc lập theo đuổi các mục tiêu gây áp lực lên các quốc gia khác. Pháp đặc biệt thất vọng vì phần chi tiêu quân sự dưới thời ông Scholz đã hướng tới các hệ thống vũ khí của Mỹ, làm đảo lộn kế hoạch hiện có cho các dự án vũ khí chung của châu Âu. Điều này còn được hiểu là bước lùi của Chính phủ Đức trong việc củng cố chủ quyền châu Âu. Nhiều nước ở Đông Âu muốn cam kết hơn nữa về phòng thủ lục địa do những lo ngại sau cuộc xung đột Ukraine thì lo lắng về phản ứng chậm chạp với các diễn biến của Chính phủ Đức về hỗ trợ quốc phòng. “Có sự phân chia Đông - Tây. Các nước Đông Âu muốn thấy Đức thẳng thắn hỗ trợ cung cấp vũ khí cho phía Đông và cam kết bảo vệ các thành viên Đông Âu của NATO”, ông Allen đánh giá.
Bất chấp những lời bàn tán về một sự thay đổi mang tính thời đại, vai trò chính xác mà ông Scholz muốn Đức thể hiện trên trường quốc tế vẫn chưa rõ ràng. Dù thế nào đi nữa, khó có khả năng ông Scholz - hoặc bất kỳ ai - có thể làm hài lòng tất cả. Ông Scholz vẫn đem đến cảm giác chậm mà chắc quen thuộc của mình. Sự thận trọng là điều có thể thấy rõ nhưng tính đến thời điểm hiện tại, các chính sách của ông Scholz mang tính phản ứng nhiều hơn là đại diện cho những ý tưởng rõ ràng, nhất là khi nó luôn bị mang ra so sánh với người tiền nhiệm Angela Merkel.