2 ông lớn dược phẩm Pháp - Mỹ bắt tay sản xuất vắc xin kép ngừa cúm và COVID-19
* Nhật Bản dự kiến tiêu hủy 77% số thuốc dự trữ điều trị COVID-19
Hai hãng dược phẩm khổng lồ Sanofi (Pháp) và Novavax (Mỹ) vừa tuyên bố thành lập liên minh để bán vắc xin ngừa bệnh COVID-19, đồng thời cùng phát triển một loại vắc xin khác có tác dụng kép: phòng ngừa cả cúm và COVID-19.
Theo thỏa thuận cấp phép trị giá lên tới 1,2 tỉ USD, hai hãng trên sẽ cùng thương mại hóa vắc xin ngừa COVID-19 của Novavax trên toàn thế giới, ngoại trừ một số quốc gia mà hãng này có thỏa thuận hợp tác là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Novavax sẽ nhận được khoản thanh toán trả trước 500 triệu USD và khoản tiền này có thể lên tới 700 triệu USD nếu đạt được các mốc quan trọng nhất định.
Trong khi đó, Sanofi sẽ nắm giữ 5% cổ phần của hãng dược phẩm Mỹ. Sanofi sẽ đăng ký bán vắc xin ngừa COVID-19 của Novavax kể từ năm 2025.
Ngoài ra, Sanofi cũng đang lên kế hoạch phát triển một loại vắc xin cùng lúc có thể ngừa cúm và COVID-19, bằng cách sử dụng phối hợp vắc xin phòng cúm của hãng này và vắc xin ngừa COVID-19 của công ty Mỹ.
Thông báo hợp tác trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty dược phẩm báo cáo doanh số bán vắc xin ngừa COVID-19 giảm.
Novavax vốn phụ thuộc nhiều vào vắc xin ngừa COVID-19. Tuy đã sớm đi đầu trong cuộc đua phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, nhưng cuối cùng hãng dược phẩm có trụ sở tại Maryland này lại tụt hậu, do bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong quá trình sản xuất và do các quy định liên quan.
Hồi năm ngoái, dư luận đã có nhiều nghi ngại về khả năng tiếp tục hoạt động của Novavax. Còn đối với Sanofi, thỏa thuận nói trên được xem là một cơ hội tốt để hãng này phát triển một loại vắc xin có tác dụng phòng vệ kép trước cúm và COVID-19.
Ông Jean-Francois Toussaint - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc xin toàn cầu của Sanofi - cho biết: “Trong bối cảnh tỉ lệ nhập viện do cúm và COVID-19 hiện tương đương nhau, chúng tôi có cơ hội phát triển vắc xin kết hợp cúm - COVID-19 không theo công nghệ mRNA, mang đến cho bệnh nhân sự thuận tiện, vừa nâng cao vừa bảo vệ chống lại hai loại virus đường hô hấp nghiêm trọng”.
* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản vừa công bố cho thấy nước này chuẩn bị tiêu hủy 77% số thuốc uống điều trị COVID-19 mà họ đã mua trong thời kỳ đại dịch trong bối cảnh đến nay số thuốc này vẫn chưa được sử dụng.
Nhật Bản đã dự phòng số thuốc uống đảm bảo cho 5,6 triệu người nhưng cho đến nay vẫn còn số thuốc tương đương cho 4,3 triệu người vẫn chưa được sử dụng. Các loại thuốc còn lại gồm viên Xocova do Shionogi & Co. sản xuất, viên nang Lagevrio do Merck & Co. sản xuất và viên Paxlovid do Pfizer Inc. sản xuất, ước tính trị giá 300 tỉ yen (1,93 tỉ USD), dự kiến sẽ bị tiêu hủy khi hết hạn sử dụng.
Chuyên gia Ataru Igarashi, Giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết rất khó để dự đoán chính xác số lượng thuốc cần thiết khi tình hình đang diễn biến phức tạp. Ông Igarashi nói: “Tình trạng thiếu thuốc sẽ khiến sức khỏe con người gặp nguy hiểm và dự trữ quá nhiều sẽ dẫn đến tổn thất tài chính".
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Nhật Bản đã mua dự trữ thuộc Xocova cho 2 triệu người, thuốc Lagevrio cho 1,6 triệu người và thuốc Paxlovid cho 2 triệu người. Số tiền trả cho việc mua thuốc này chưa được tiết lộ.
Tính toán sử dụng dữ liệu có sẵn công khai về khối lượng mua hàng và giao thuốc cho thấy Nhật Bản vẫn giữ thuốc Xocova cho 1,77 triệu người, thuốc Lagevrio cho 780.000 người và thuốc Paxlovid với 1,75 triệu (tính đến cuối tháng 3 vừa qua).
Dự tính giá trị lượng thuốc cho mỗi người có giá 52.000 yen với thuốc Xocova, 94.000 yen với thuốc Lagevrio và 99.000 yen với thuốc Paxlovid.
Nhật Bản đã tiêu hủy 240 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 sau khi ban đầu ký hợp đồng mua 930 triệu liều và sau đó hủy bỏ một số lượng lớn. Bộ Y tế Nhật Bản đã thông báo với Quốc hội rằng số vắc xin bị tiêu hủy trị giá 665,3 tỉ yen.