2 sản phẩm làng nghề của dân tộc Nùng An đến với bạn bè quốc tế

Trong sự kiện Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (APGN-8) có 2 sản phẩm làng nghề truyền thống làm giấy bản và hương thơm của dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được lựa chọn làm quà tặng cho đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế.

Tri thức bản địa sáng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường

Đến với xóm làm hương thơm Phja Thắp và giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), bạn sẽ được trải nghiệm nhịp sống lao động tỉ mỉ, cần mẫn của bà con dân tộc Nùng An làm ra sản phẩm làng nghề độc đáo. Minh chứng cho tri thức bản địa được lưu truyền qua nhiều thế hệ để làm ra sản phẩm thủ công đặc sắc tặng cho đại biểu, khách quý dự Hội nghị APGN-8.

Bà Nông Thị Chăm, ngoài 50 tuổi, xóm Dìa Trên làm giấy bản lâu năm kể lại: Nghề làm giấy bản không biết có từ bao giờ, khi tôi lớn lên được theo bà, mẹ lên rừng lấy vỏ cây Mạy Sla về đem ngâm nước rồi nấu, giã vỏ cây để tạo bột giấy. Làm giấy bản không mất nhiều vốn đầu tư, không gây ô nhiễm môi trường. Bởi cây Mạy Sla mọc dưới tàn rừng, sau khi chặt tước lấy vỏ, thân cây làm chất đốt, lá cây làm thức ăn cho trâu, bò.

Vỏ cây Mạy Sla sau khi tước vỏ cho vào nồi đun sôi lần đầu tước sạch lớp vỏ đen bên ngoài (chỉ lấy lớp trắng bên trong) rồi đem đun sôi lần 2 vớt ra phơi khô. Sau đó, buộc vỏ cây thành từng bó to đem ra ngoài mương nước ngâm 1 ngày để rũ hết phần nhựa còn dính rồi đem về nhà dùng chày to đập cho nát nhừ. Sau đó cho bột giã nát xuống bể đổ sẵn nước rồi khuấy đều đến khi chỉ còn sót một lớp giấy còn ướt hiện hình trên khung, sau đó đem giấy ướt dán lên vách tường hoặc gỗ để làm khô giấy.

Làm giấy bản truyền thống tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Làm giấy bản truyền thống tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Giấy bản làm thủ công tỉ mỉ nên rất dai, không bị mối mọt, người xưa đem về làm giấy viết sách, trang trí nhà cửa, thờ cúng… Sự sáng tạo từ trí thức bản địa đã thổi hồn vào giấy bản, biến những nguyên liệu từ vỏ cây mộc mạc thành những tờ giấy dai, mịn viết mực lên không phai. Mỗi sản phẩm làm từ giấy bản ẩn chứa câu chuyện về cuộc sống, con người và bản sắc văn hóa của người Nùng nơi đây.

Bà con dân tộc Nùng An xóm Phja Thắp làm hương thơm thủ công với nguyên liệu là cây mọc tự nhiên dưới tán rừng, gồm: Vỏ cây gạo, mùn cưa và một số loại cây tạo mùi thơm; cây mai chặt về tuốt nhỏ như sợi tăm để làm que hương. Khi mùn cưa được trộn với các loại bột thơm, lấy chất keo kết dính làm từ lá cây Bầu Hắt để trộn, rồi dùng que mai đã tuốt nhỏ lăn các chất liệu mùn thành que hương, sau đó nhúng chân hương vào nước màu của lá cây Chăm Che tạo thành màu đỏ dưới chân hương rồi đem hương đi phơi khô.

Bà Nông Thị Tình, hơn 70 tuổi, xóm Phja Thắp kể: Gia đình tôi làm hương thơm đã ba đời, theo lời kể của mẹ tôi nghề làm hương thơm của người Nùng An xuất phát từ quan niệm khói hương là sợi dây gắn kết niềm tin, ngưỡng vọng và biết ơn của người còn sống với tổ tiên, thần linh. Vì thế con cháu người Nùng An làm hương thơm thắp vào các ngày tết, lễ, mùng một, hôm rằm… thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thần linh. Cũng vì thế nghề làm hương thơm được truyền đời qua nhiều thế hệ với niềm tin thế giới quan nhân văn.

Kết nối, nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống

Để sản phẩm thủ công truyền thống giấy bản, hương thơm được bảo tồn và phát triển, vươn xa, từ năm 2018, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng làm việc với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ bà con tiếp tục phát huy sản phẩm với hướng đi mới.

Bà con xóm Phja Thắp được hướng dẫn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng homestay. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp chính quyền, đơn vị các cấp tổ chức khảo sát thực tế, định hướng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ năng giao tiếp, dịch vụ du lịch từ khai thác văn hóa dân tộc Nùng An để đón khách du lịch trong nước và quốc tế trải nghiệm nghề làm hương thơm. Đến nay, làng hương Phja Thắp trở thành một trong những điểm đến của nhiều khách nước ngoài lựa chọn trải nghiệm tuyến hướng Đông CVĐC Non nước Cao Bằng.

Sản phẩm hương thơm Phja Thắp có cơ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi và tiếp cận được thị trường trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang... Nhiều hộ có thu nhập ổn định từ làm hương thơm truyền thống. Chị Hà Thị Hương, phường Hợp Giang (Thành phố), người tiêu dùng sản phẩm hương thơm Phja Thắp cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hương thơm nhưng tôi chỉ tìm mua hương thơm của bà con Nùng An. Vì hương thơm Phja Thắp khi thắp lên hương cháy chậm, tàn hương đẹp, mùi thơm dịu tự nhiên không hắc như hương có hóa chất.

Bà con Nùng An ở xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) làm hương thơm.

Bà con Nùng An ở xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) làm hương thơm.

Đối với nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: Bãi đỗ xe, bảng chỉ dẫn, bảng thông tin di sản, lắp biển đối tác, tủ trưng bày sản phẩm… Hướng người dân sáng tạo nhiều sản phẩm từ giấy bản như làm túi đựng quà tặng, hoa giấy, sổ lưu niệm, giấy vẽ tranh, thiệp lưu niệm… kết nối với các đối tác là khách sạn, nhà hàng, homestay, cửa hàng lưu niệm, trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm từ giấy bản; hỗ trợ xóm Dìa Trên trở thành đối tác của CVĐC trong tuyến trải nghiệm hướng Đông.

Hai sản phẩm trên được chọn làm quà tặng cho đại biểu, khách quý tại Hội nghị APGN-8, bà con rất phẩn khởi, tiếp tục nâng cao chất lượng và làm mới sản phẩm. Với sản phẩm hương thơm, bà con bổ sung kinh nghiệm quý vào công thức tỷ lệ trộn nguyên liệu để hương thơm nhẹ dịu, cháy chậm, lâu tàn và đóng gói mẫu bao bì mới in logo APGN-8 tiện dụng cho người mua. Sản phẩm giấy bản được bà con khéo léo đóng thành cuốn sổ lưu niệm, làm thành túi đựng quà, thiệp lưu niệm… in logo APGN-8 để tặng cho đại biểu.

Với trí tuệ sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của bà con dân tộc Nùng An, hai sản phẩm, hương thơm và giấy bản sẽ là món quà ý nghĩa đến đại biểu, khách quý tại Hội nghị APGN-8 để hiểu hơn giá trị, sức sống của tri thức bản địa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC. Đây là cơ hội để bà con tiếp tục phát triển nghề thủ công truyền thống, đưa sản phẩm ra thị trường.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/2-san-pham-lang-nghe-cua-dan-toc-nung-an-den-voi-ban-be-quoc-te-3171777.html