2 sở lên tiếng vụ thẻ học nghề của quân nhân xuất ngũ bị từ chối
Do vướng mắc về thủ tục hành chính, hàng trăm thẻ học nghề của quân nhân xuất ngũ ở Hà Tĩnh không được đón nhận. Trước thực trạng này, các sở, ngành ở Hà Tĩnh đã lên tiếng.
Như VietNamNet đã phản ánh, gần 1 năm qua, với lý do tiền đào tạo năm 2022 chưa được thanh quyết toán, nhiều đơn vị dạy nghề ở Hà Tĩnh đã phải từ chối dạy nghề theo chính sách cho quân nhân xuất ngũ.
Sự việc trên khiến hàng trăm thẻ học nghề bị hết hạn, quyền lợi của các quân nhân xuất ngũ không được giải quyết.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở sẽ có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến việc mà báo đã nêu.
Theo ông Dũng, nguyên nhân chậm trả tiền cho các cơ sở đào tạo nghề là do vướng mắc về thủ tục hành chính.
“Tạm thời đang nợ các cơ sở đào tạo một ít là do vướng mắc về thủ tục, còn về mặt quyền lợi của quân nhân thì phải được đào tạo sớm nhất vì thẻ học nghề của họ chỉ có giá trị trong vòng 12 tháng. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Tĩnh vẫn tuyển sinh, theo tổng hợp của Sở thì năm 2022 là năm tỉnh đạt tỷ lệ tuyển sinh đào tạo cao nhất với 540 người”, ông Dũng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, trước đây tất cả việc đào tạo nghề (đào tạo sơ cấp, đào tạo nghề 3 tháng) đều được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và phụ lục định mức chi phí đào tạo, các trường đào tạo không được vượt quá định mức chi phí này.
Thế nhưng theo quy định của Bộ Tài chính, thẩm quyền ban hành nghị quyết định mức chi phí đào tạo này không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh mà là thẩm quyền của UBND tỉnh.
Vì vậy, Sở buộc phải tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh hủy bỏ 2 phụ lục trong nghị quyết của HĐND tỉnh. Việc này dẫn đến các đơn vị đào tạo nghề không có cơ sở căn cứ định mức chi phí để thanh toán.
Cũng theo ông Dũng, trong tuần này UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp, từ ý kiến các thành viên, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định ban hành quy định về định mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp cho các nhóm ngành nghề.
"Hiện nay tất cả các kinh phí đã có, dự thảo đã xong, chỉ cần có quyết định ban hành định mức là Sở Tài chính sẽ đẩy tiền về cho các cơ sở đào tạo nghề”, ông Dũng nói.
Ông Trần Anh Quân, Trưởng phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính Hà Tĩnh, cho biết, liên quan sự việc, ngày 7/11/2022 UBND tỉnh đã có văn bản số 6338 về việc yêu cầu khẩn trương tham mưu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh vẫn đang trong quá trình xây dựng giá dịch vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng và định mức kinh tế - kỹ thuật. Hiện nay chưa có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
“Vì vậy, Sở Tài chính chưa có căn cứ, cơ sở để tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí phí đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo quy định tại điều 14, điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP theo đúng quy định”, ông Trần Anh Quân khẳng định.