2 thái cực trái ngược của giới trẻ Hàn Quốc: Bên dè sẻn bên xa hoa vô độ, vì đâu nên nỗi?
Một nhóm bao gồm khoảng 360 người ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc đang tự hào với khẩu hiệu 'tiết kiệm cực độ và chi tiêu có ý nghĩa'.
Thực hành tiết kiệm: Ăn trưa tại cửa hàng tiện lợi, đạp xe đi làm và hạn chế mua đồ
Kang Won-jin (tên đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư) sẽ bị những người bạn trên mạng mắng mỏ mỗi khi tiêu xài hoang phí dù chỉ là đồng lẻ. Khi anh thú nhận đã tự ý mua một chiếc ô trị giá 10.000 won (186.000 VNĐ) từ một cửa hàng tiện lợi vì trời mưa đột ngột, anh đã được thông báo rằng: "Bạn sẽ không được uống Starbucks trong một tuần".
Một số người thậm chí có người đưa ra lời khuyên nửa đùa nửa thật: “Đáng lẽ bạn nên dùng tờ rơi hoặc tờ báo để che đầu”.
Kang sẵn sàng tiết lộ chi phí hàng ngày của mình với những người anh chẳng hề biết mặt và chấp nhận sự phán xét của họ. Đó là cách anh thực hiện phương châm "thắt lưng buộc bụng".
Chàng trai 25 tuổi này là thành viên của một cộng đồng trực tuyến gồm những người trẻ Hàn Quốc sống tiết kiệm thông qua các phòng chat có tên là “geojibang” (tạm dịch theo nghĩa đen là "phòng của những người ăn xin”).
Ở đó, những người dùng ẩn danh kiểm tra chi tiêu hàng ngày của nhau và chia sẻ các mẹo tiết kiệm, thông tin về các món hời, giảm giá, bao gồm các sự kiện khuyến mại tại cửa hàng tiện lợi địa phương hoặc gói cước điện thoại giá rẻ.
Gõ từ khóa tìm kiếm “geojibang” trên phần trò chuyện nhóm mở của KakaoTalk, bạn sẽ được trả về hơn 500 phòng, với các yêu cầu về giới tính hoặc độ tuổi.
"Geojibang" là nhóm có khoảng 360 người trẻ ở độ tuổi 20, luôn mang khẩu hiệu “tiết kiệm cực độ và chi tiêu có ý nghĩa”. Các quy tắc của nhóm nêu rõ rằng người dùng bị cấm đăng ảnh về “những món đồ xa hoa” để ngăn việc mua hàng một cách "bốc đồng".
Một trong số các mẹo được các thành viên dày dạn kinh nghiệm tiết kiệm chia sẻ và khuyến khích rộng rãi, là lời khuyên sử dụng xe đạp di chuyển thay vì đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Nếu ai đó đặt đồ ăn thông qua các nền tảng giao hàng được coi là hành vi tội lỗi, và lý lẽ đương nhiên là nên ăn gì đó ở cửa hàng tiện lợi... cho rẻ.
Theo trang web thống kê dữ liệu NHN Data (Hàn Quốc), trong nửa đầu năm 2023, các ứng dụng dành cho các thương hiệu cà phê giá rẻ tại địa phương, chuỗi cửa hàng tiện lợi và nền tảng mua hàng theo nhóm đã có sự gia tăng nhanh về số lượng tải xuống.
Chẳng hạn, trong số 8 ứng dụng mua sắm phổ biến nhất, 5 ứng dụng dành cho các giao dịch giảm giá lớn, bao gồm Always, Tteorimall và Miss Discount, ghi nhận mức tăng về lượt tải xuống lần lượt là 115%, 65% và 24% so với tháng 10 năm ngoái.
Doanh số bán cơm hộp tại 4 cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc trong quý đầu tiên đã tăng 40% so với 1 năm trước đó.
Lạm phát tăng cao, nền kinh tế trì trệ và sự sụt giảm dai dẳng của thị trường việc làm khiến những người trẻ tuổi ở xứ sở kim chi hướng tới lối sống tiết kiệm, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa.
Các chuyên gia cho biết, các phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng giao tiếp trực tuyến đang khuếch đại các tư tưởng cá nhân thành một xu hướng xã hội rộng lớn hơn.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, giải thích: “Sự có mặt của những người khác góp phần củng cố ý chí và hiệu suất của một người trong một mục tiêu nào đó, được gọi là hiệu ứng thuận lợi xã hội. Giữ thói quen tiết kiệm là một nhiệm vụ đầy thách thức, vì vậy mọi người đã tạo ra những cách thú vị để cùng nhau thực hiện. Geojibang kết hợp các yếu tố ẩn danh, cập nhật thời gian thực và giao tiếp, khiến cho sự tiết kiệm trở nên thú vị và hấp dẫn".
Tiêu không cần nghĩ: Ăn mặc sang trọng và du lịch nước ngoài
Ngược lại với nhóm ăn tiêu tiết kiệm, Hàn Quốc có những thanh niên chạy theo lối sống xa hoa, bất kể điều đó có phù hợp với khả năng của họ hay không.
Một trong những xu hướng phổ biến nhất của những người tiêu xài hoang phí chính là “omakase”.
“Omakase” vốn được biết đến như một phong cách ăn uống truyền thống của Nhật Bản, nơi thực khách để đầu bếp lựa chọn thực đơn. Nghĩa đen là “Tôi sẽ để nó cho bạn” trong tiếng Nhật, "omakase" ở Hàn Quốc thường đề cập đến trải nghiệm ăn uống cao cấp tại các nhà hàng nơi đầu bếp cung cấp một món ăn và giới thiệu tên, thành phần, nguồn gốc của nó. Một bữa tối kiểu "omakase" thường có giá từ 200.000-300.000 won/người (tương đương 3,7 triệu - 5,5 triệu VNĐ).
Trong khi ở Nhật Bản, khách tại những cơ sở như vậy thường là những người trung niên giàu có, thì tại các nhà hàng "omakase" của Hàn Quốc, dễ dàng bắt gặp những cặp đôi trẻ.
Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu ngành dịch vụ thực phẩm Hàn Quốc, số lượng thực khách thường sử dụng dịch vụ "omakase" đã tăng lên 413 vào tháng 1 năm 2023 từ khoảng 100 vào năm 2021.
Một số người đến các khách sạn sang trọng để thưởng thức những món tráng miệng đắt tiền.
Mỗi mùa hè, các khách sạn sang trọng lớn thường giới thiệu món bingsu (đá bào), được làm từ trái cây tươi theo mùa, với giá khá cao, trung bình từ 70.000-80.000 won (1,3 - 1,5 triệu VNĐ). Dù đắt đến đâu, luôn có những người lựa chọn trải nghiệm món tráng miệng cao cấp ấy.
Vào một buổi chiều tại sảnh khách sạn 5 sao, nhiều bạn trẻ lui tới để uống cà phê, ăn nhẹ hoặc ăn tối. Một nhóm 2 - 3 người sẽ tự thưởng cho mình món bingsu xoài táo có giá 100 USD/đĩa.
“Nó được làm từ những nguyên liệu cao cấp và có vị rất ngon. Vì nó là một món trong thực đơn theo mùa nên tôi nghĩ đó là một mức giá xứng đáng”, một thực khách (muốn giấu tên) cho biết.
Đối với những ngày nghỉ lễ và cuối tuần, các bạn trẻ lên máy bay đến những điểm đến kỳ lạ, tham gia vào cơn sốt du lịch hậu Covid-19.
Theo dữ liệu từ công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Interpark, doanh số bán vé máy bay của họ trong tháng 4 đạt 173,1 tỷ won, tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim Hyung-nam, người vừa trở về sau kỳ nghỉ ở Osaka, Nhật Bản, cho biết anh rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều thanh niên Hàn Quốc đến thăm thành phố. “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy như thể mình chưa bao giờ rời khỏi Hàn Quốc. Có lẽ kỳ nghỉ tiếp theo, tôi sẽ phải đi đâu đó thật xa”.
Vì đâu nên nỗi?
Lý giải về xu hướng tiêu dùng phân cực trong chi tiêu của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay, các chuyên gia địa phương cho biết “tầng lớp trung lưu đang thu hẹp” đứng đằng sau hiện trạng này.
“Tác động của suy thoái kinh tế không ảnh hưởng đồng đều đến tất cả mọi người mà có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn. Khi nhiều gia đình có thu nhập trung bình rơi vào tầng lớp thu nhập thấp trong bối cảnh giá cả cao hơn và thu nhập thực tế giảm, có vẻ như văn hóa tiết kiệm đã trở nên phổ biến hơn trước”. Kim Kwang-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện cho biết.
“Những người có thu nhập cao là những người ít bị tổn thương bởi thu nhập ròng giảm. Họ sẽ tiếp tục thói quen tiêu dùng như đi du lịch nước ngoài và mua hàng xa xỉ, điều này càng làm trầm trọng thêm sự phân cực trong tiêu dùng”.
Nguồn: Asia News Netwwork