2 tuần dồn dập 'bão tố' của ngành ngân hàng toàn cầu
Trong vòng chưa đầy 2 tuần, hệ thống ngân hàng toàn cầu chao đảo vì làn sóng tin tức tiêu cực. Tại Mỹ, 2 ngân hàng ngừng hoạt động trong khi 1 ngân hàng khác trên bờ vực sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cùng các cơ quan liên quan buộc phải công bố hàng loạt nỗ lực vực dậy niềm tin thị trường. Bên kia bờ Đại Tây Dương, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - Credit Suisse buộc phải bị thâu tóm về tay nhà băng UBS trong một thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD.
Những tin tức ập đến về sự sụp đổ hoặc bên bờ vực sụp đổ của những nhà băng đã khiến nhà đầu tư toàn cầu choáng váng. Hãng tin Bloomberg đã tóm tắt lại tất cả những gì xảy ra trên thị trường tài chính toàn cầu trong chưa đầy 2 tuần qua, và cách các cơ quan quản lý phản ứng trong bối cảnh lo ngại nguy cơ khủng hoảng lan rộng.
Silvergate Bank - mở đầu sóng gió
Silvergate Bank (SIB), công ty con của Silvergate Capital Corp. là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ sụp đổ cùng với cuộc khủng hoảng lan rộng trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Trước đó, vào thời điểm tiền điện tử thăng hoa, SIB đã “đặt cược” bản thân vào sự thành công của ngành công nghiệp này. Cho đến khi những tín hiệu về một cuộc khủng hoảng bắt đầu nhen nhóm từ giữa năm 2022, sau đó là sự sụp đổ chóng vánh của sàn giao dịch điện tử FTX, SIB nhanh chóng đối diện với thách thức lớn.
Với cái “gật đầu” từ Fed, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã nỗ lực can thiệp và làm việc với ban lãnh đạo SIB để tránh nguy cơ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, SIB sau đó rơi vào trạng thái không thể phục hồi trong bối cảnh chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý an ninh và cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp liên quan đến các giao dịch với sàn FTX…
Mặc dù sau đó, kết quả điều tra không khẳng định bất kỳ hành vi sai pháp luật nào của SIB, ngân hàng vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn về niềm tin và buộc phải bán lỗ tài sản để trang trải thanh khoản khi khách hàng ồ ạt rút tiền. Ngày 8/3/2023, SIB chính thức tuyên bố ngừng hoạt động.
Silicon Valley Bank (SVB) - vụ sụp đổ nhà băng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ
Ngay sau vụ việc của SIB, trong ngày 8/3, nhà đầu tư vốn đang trong tâm lý lo lắng, tiếp tục phải hấp thụ tin tức tiêu cực về SVB.
Trong trường hợp của SVB, nhà băng này chủ yếu hướng đến đối tượng startup và công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Nhưng thời điểm hiện tại, dòng tiền gửi vào SVB đã đảo chiều do tệp khách hàng này cạn tiền mặt bời tình hình kinh tế không thuận lợi dẫn đến kinh doanh khó khăn và khó huy động vốn mới.
Trong bối cảnh đó, SVB buộc phải công bố kế hoạch phát hành 2,25 tỷ USD cổ phiếu để huy động vốn, đồng thời chịu lỗ khoảng 1,8 tỷ USD để bán ra lượng trái phiếu trị giá 21 tỷ USD trong nỗ lực tăng cường sức khỏe bảng cân đối kế toán, đáp ứng nhu cầu rút tiền tiềm ẩn từ khách hàng của họ cũng như tài trợ cho các khoản vay mới.
Cổ phiếu của nhà băng này đã giảm 60% vào ngày 9/3, ngay sau khi có tin tức được “tiêu hóa”. Thị giá lao dốc buộc ban lãnh đạo SVB hoãn kế hoạch huy động vốn mới thông qua phát hành cổ phiếu. Trong tâm lý hoang mang, nhiều khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi nhà băng, khiến SVB rơi vào cảnh cạn thanh khoản. Theo hồ sơ của các cơ quan quản lý California, đến ngày 9/3, khách hàng đã rút tới 42 tỷ USD tiền gửi khỏi SVB. Thêm vào dòng tin tức tiêu cực, một số công ty đầu tư mạo hiểm thậm chí đã tư vấn cho khách hàng trong danh mục của họ rút tiền gửi khỏi nhà băng này.
FDIC sau đó đã tiếp quản SVB ngay ngày 10/3. Cơ quan này sau đó đã cùng Fed và Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một thông cáo chung, rằng mặc dù sẽ không có gói cứu trợ nào dành cho SVB , nhưng các bên đang rốt ráo thực hiện những hành động quyết đoán, bao gồm việc bảo vệ người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Đầu tuần này, tờ Reuters cho biết (FDIC) đã ra thông báo mời các ngân hàng quan tâm đến việc mua lại SVB nộp hồ sơ dự thầu trước ngày 17/3. Theo một số nguồn thạo tin của Bloomberg, ngân hàng First Citizens BancShares Inc đang đánh giá lời đề nghị mua lại SVB. Ngoài ra, một số bên khác giấu tên cũng đang nghiêm túc xem xét khả năng thâu tóm SVB, nguồn tin cho hay.
Các thông tin bên lề cũng cho rằng hạn chào thầu là sáng 19/3 (giờ Mỹ), sau đó FDIC sẽ quyết định liệu có nên bán toàn bộ hay chia nhỏ cổ phần SVB, điều này phụ thuộc vào giá thầu của các bên tham gia. Ngân hàng First Citizens BancShares Inc được cho là hy vọng đạt thỏa thuận mua lại toàn bộ, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Signature Bank - nạn nhân kế tiếp trong cuộc khủng hoảng niềm tin
Signature Bank đã trở thành ngân hàng tiếp theo của Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ vào ngày 12/3. Trong trường hợp của Signature Bank, ngân hàng này cũng bị đóng cửa trong bối cảnh khách hàng ồ ạt rút tiền, với tổng cộng tiền rút lên tới khoảng 20% tiền gửi tại nhà băng.
Sự sụp đổ của ngân hàng SIB ngày 8/3 đã khiến khách hàng lo lắng về rủi ro với khoản tiền gửi tại Signature Bank, vốn là ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới. Vụ việc của SVB sau đó càng “thêm dầu vào lửa”, đưa Signature Bank trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng niềm tin.
Ngày 12/3, Sở Dịch vụ tài chính New York vào cuộc và đưa Signature Bank vào dưới sự tiếp quản của FDIC. Đây cũng là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, xếp sau vụ Washington Mutual vào năm 2008 và vụ SVB trước đó chỉ vài ngày.
Trong nỗ lực củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính, nhà chức trách Mỹ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người gửi tiền tại Signature Bank. Theo đó, khách hàng của nhà băng này sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD.
Theo thông tin mới đây Bloomberg cho hay FDIC đã đồng ý cho ngân hàng Flagstar Bank - chi nhánh của ngân hàng New York Community Bancorp - mua lại một phần tài sản của Signature Bank thông qua một thỏa thuận trị giá 2,7 tỷ USD. Theo đó, Flagstar Bank sẽ mua lại 38,4 tỷ USD tài sản của Signature Bank - tức hơn 1/3 tổng số tài sản tính tại thời điểm ngân hàng này bị đóng cửa hôm 12/3, bao gồm các khoản tiền gửi, tiền mặt và một số danh mục cho vay, đồng thời tiếp quản toàn bộ 40 chi nhánh của Signature Bank.
Credit Suisse - thương vụ thâu tóm chóng vánh bên kia bờ Đại Tây Dương
Cuối tuần qua, nhà băng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse chính thức về tay ngân hàng UBS trong một thỏa thuận thâu tóm trị giá 3,2 tỷ USD, một nỗ lực được thúc đẩy bởi bàn tay Chính phủ Thụy Sĩ nhằm tránh rủi ro khủng hoảng lan rộng hơn. Nếu không về tay UBS, Credit Suisse có thể phải chấp nhận phương án quốc hữu hóa một phần hoặc toàn bộ.
Credit Suisse thực tế đã đối diện với những thách thức lớn về thanh khoản từ cuối năm ngoái, khi hàng loạt bê bối khiến khách hàng liên tục rút tiền, dẫn đến dòng vốn ồ ạt chảy ra. Những bê bối có thể kể tới một bản án hình sự về việc nhà băng này cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền ở Bulgaria; cáo buộc dính líu đến một vụ án tham nhũng ở Mozambique; một vụ bê bối gián điệp liên quan tới một cựu nhân viên; một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng với giới truyền thông….
Mặc dù CEO Ulrich Koerner đã dùng mọi nỗ lực để thu hút khách hàng trở lại, và tình hình có vẻ khởi sắc khi báo cáo của nhà băng này cho biết tiền gửi ròng đã dương trong tháng 1, nhưng một chất vấn của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) hôm 9/3 về báo cáo tài chính thường niên của nhà băng này đã khởi đầu cho những ngày đen tối. Cùng lúc đó, nỗi lo lắng bao trùm khi hàng loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ và ngừng hoạt động đã làm cho tình hình ngày một tệ đi.
Đến ngày 15/3, cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia bác bỏ khả năng có thêm bất kỳ khoản đầu tư nào vào Credit Suisse đã khiến cổ phiếu Credit Suisse có thời điểm lao dốc 30% và chốt phiên với mức giảm hơn 24%, buộc Credit Suisse phải đề nghị ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) ra một tuyên bố hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả khi SNB cam kết bơm cho Credit Suisse 50 tỷ Franc Thụy Sĩ, tương đương 54 tỷ USD, cổ phiếu nhà băng này vẫn tiếp tục bị bán tháo.
Cuối cùng, nhà băng 166 tuổi này về tay UBS. Tờ CNN dẫn nguồn tin cho hay để hậu thuẫn thương vụ thâu tóm này, SNB đã cam kết một khoản vay khổng lồ lên tới 108 tỷ USD (100 tỷ Franc Thụy Sĩ). Chính phủ Thụy Sĩ cũng cam kết sẽ bảo lãnh cho thua lỗ lên tới 9 tỷ Franc Thụy Sĩ từ một số tài sản nhất định nhằm giảm bớt rủi ro cho UBS khi thâu tóm Credit Suisse.
First Republic Bank - tương lai chưa chắc chắn bất chấp nỗ lực giải cứu
Ngày 16/3, First Republic Bank trở thành ngân hàng thứ tư của Mỹ đối diện nguy cơ sụp đổ trong chưa đầy 2 tuần, sau khi khách hàng bắt đầu rút tiền và nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu do lo ngại vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank có thể kéo sập thêm First Republic cũng như gây đổ vỡ toàn hệ thống.
Sở dĩ khách hàng gửi tiền ở First Republic Bank lo lắng là bởi tương tự như SVB và Signature Bank, nhà băng này cũng nắm giữ một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm. Mặc dù First Republic tuyên bố ngân hàng có hơn 70 tỷ USD thanh khoản sẵn có, chưa kể tiền mặt có thể huy động thêm từ chương trình cấp vốn của Fed, nhưng tuyên bố trấn an này không đủ ghìm đà bán tháo của nhà đầu tư trong bối cảnh nỗi lo lắng vẫn bao trùm.
Trước nguy cơ đó, ngay trong ngày 16/3 (giờ địa phương), một nhóm định chế tài chính Mỹ bao gồm 11 ngân hàng đã nhất trí gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào Republic Bank, trong một động thái thể hiện và củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Theo hãng tin CNBC, nhóm Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ góp 5 tỷ USD mỗi ngân hàng; Goldman Sachs và Morgan Stanley góp 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng; còn Truist, PNC, US Bancorp, State Street và Ban of New York Mello góp 1 tỷ USD mỗi ngân hàng.
Nỗ lực này dù vậy không giúp giá cổ phiếu First Republic Bank nhích lên, bởi nhà băng này ngay sau đó đã bị S&P Global hạ xếp hạng tín dụng xuống mức “rác”. S&P Global còn nhận định khoản tiền gửi 30 tỷ USD mà 11 ngân hàng lớn bơm vào First Republic Bank gần đây có thể không giúp giải quyết vấn đề thanh khoản. Trước đó ít ngày, Moody’s Investors Service cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của nhà băng này xuống mức “rác”.
Theo Financial Times, CEO JPMorgan Jamie Dimon - người khởi xướng gói cứu trợ 30 tỷ USD tuần trước - hiện đang xem xét những nỗ lực khác để "cứu" First Republic Bank khi mà nỗ lực trước đó không làm tình hình khởi sắc là bao. Một trong những lựa chọn được xem xét là chuyển đổi tất cả hoặc một phần khoản tiền gửi 30 tỷ USD nói trên thành đợt bơm vốn.
“Những khoản tiền gửi trên đây được tính là nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán, tức First Republic Bank đang nợ tiền các ngân hàng lớn hơn. Nếu những khoản tiền gửi trên được chuyển (một phần hoặc toàn bộ) thành vốn chủ sở hữu, First Republic Bank sẽ có vị thế tài chính tốt hơn”, nguồn tin của Financial Times cho hay.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/2-tuan-don-dap-bao-to-cua-nganh-ngan-hang-toan-cau.html