2 xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu từng tranh cãi việc đặt tên khi sáp nhập, giờ ra sao?
Hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) từng không thống nhất được tên xã mới khi có kế hoạch sáp nhập năm 2024. Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cho biết, theo chủ trương mới, đợt tới đây sẽ sáp nhập toàn huyện.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập để thành 8 xã mới. Trong đó, địa phương chủ trương sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu và lấy tên xã mới là Đôi Hậu. Tuy nhiên, với cái tên Đôi Hậu, người dân 2 xã chưa đồng tình, 2 xã không thống nhất được tên gọi chung sau sáp nhập tại thời điểm tháng 5/2024.
Theo nhiều người dân, họ muốn việc đặt tên xã mới giữ tên xã Quỳnh Đôi, bởi vì xã Quỳnh Đôi có lịch sử là làng khoa bảng nổi tiếng mấy trăm năm, cũng là quê hương của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.
Theo sử sách ghi chép, xã Quỳnh Đôi được hình thành năm 1378. Ban đầu, làng có tên là Thổ Đôi Trang, đến năm 1528, được gọi là Quỳnh Đôi. Từ xa xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh với tên gọi “làng khoa bảng”, được dân gian truyền tụng: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân.
Theo thống kê, từ năm 1378 đến năm 1918, Quỳnh Đôi có đến 734 người đậu Tú tài và Cử nhân. Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm.
Tháng 6/2024, Tỉnh ủy Nghệ An đã có quyết định chưa sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu tại thời điểm 2024 và chờ giai đoạn sau.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, chủ trương sáp nhập xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu giai đoạn 2023-2025 bởi diện tích tự nhiên và dân số 2 xã không đạt chỉ tiêu để đứng riêng.
"Mỗi xã, dân số phải đạt trên 8.000 người, trong khi đó, xã Quỳnh Đôi chỉ có 4.500 người dân và hơn 4km2 diện tích tự nhiên nên thuộc diện phải sáp nhập với xã Quỳnh Hậu", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, địa phương chủ yếu làm nông nghiệp nên thu ngân sách đạt thấp. "Mỗi năm thu ngân sách chỉ đạt khoảng 450 triệu đồng. Tiên ngân sách cấp bù trên 10 tỷ để chi trả tiền lương, xây dựng... Hiện tạm dừng sáp nhập để chờ chủ trương mới của tỉnh. Hiện chưa có thông tin cụ thể sắp tới xã Quỳnh Đôi sáp nhập với những xã nào", Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi thông tin.
Ông Trần Đức Hữu, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu cho biết, địa phương có hơn 5,67 km2 diện tích tự nhiên, dân số đạt hơn 9.000 người. Nơi đây có hai vị thành hoàng làng được vua Lê Đại Hành sắc phong. Xã có di chỉ khảo cổ Đền Đồi cùng nhiều lễ hội truyền thống như hát ghẹo, tuồng chèo.
Theo ông Hữu, hằng năm nguồn thu chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp bù. "Chi thường xuyên mỗi năm khoảng 6 tỷ, trong đó thu ngân sách tại địa phương chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng, còn lại ngân sách cấp bù khoảng 5,5 tỷ", ông Hữu nói.
Theo Chủ tịch xã Quỳnh Hậu, việc tạm dừng sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu tại thời điểm năm 2024 là bởi khi đó lấy ý kiến của người dân 2 xã về việc đặt tên xã mới, nhưng có những ý kiến khác nhau, nên tỉnh đã tạm dừng để tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân thấu hiểu, thống nhất.
Theo ông Hữu, thời gian tới, chủ trương của Trung ương sẽ sáp nhập tỉnh, bỏ trung gian cấp huyện và tiếp tục sáp nhập xã là phù hợp với xu thế.
"Thời gian tới, việc sáp nhập các xã chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Nếu thực hiện theo chủ trương mới, bình quân 5 xã sáp nhập thành 1, tên xã mới sẽ không có tên ghép giữa hai xã. Tên xã mới sau sáp nhập phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, lịch sử... cả một vùng", ông Hữu nói thêm.

Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) là quê hương của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, căn cứ vào tiêu chí của Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023-2025, huyện Quỳnh Lưu có 17 xã thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ điều kiện về diện tích, dân số và một số yếu tố khác, trong đó có hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.
Theo ông Dinh, người dân các xã thuộc diện sáp nhập cơ bản đồng tình với chủ trương, chỉ có hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu năm trước phát sinh tranh cãi về việc đặt tên, phong tục tập quán... thời điểm đó chưa đạt được "độ chín", nên quyết định dừng chờ giai đoạn sau.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu, theo chủ trương mới, đợt tới đây sẽ sáp nhập toàn huyện. Trong khi đó, theo chủ trương trước đó vẫn còn khoảng 7 - 8 xã nữa thuộc diện phải sáp nhập.
"Trước đó, việc sáp nhập chia làm hai giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030. Giờ đây chủ trương bỏ trung gian cấp huyện thì chắc chắn các xã phải tiếp tục sáp nhập, sắp xếp lại. Đợt tới phạm vi sắp xếp trên cả nước nên việc sáp nhập xã sẽ thuận lợi hơn", ông Dinh nói.
Ông Dinh cho hay, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quỳnh Lưu có 33 xã, sau sáp nhập giảm 8 xã còn 25 xã.
"Việc sáp nhập xã thời gian qua đã có được sự đồng thuận, thống nhất từ người dân trong việc đặt tên gọi mới, địa điểm đặt đơn vị trung tâm hành chính mới sau sáp nhập. Nếu người dân chưa hiểu, chính quyền tổ chức vận động để người dân hiểu và đồng thuận", ông Dinh nhấn mạnh.