20% F0 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 bị trầm cảm
Kết quả khảo sát được thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP.HCM, nơi đang điều trị và cấp cứu những bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trước nhu cầu thực tế về việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh Covid-19, lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu, tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, chuyên gia trị liệu tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đến khảo sát và tư vấn, điều trị tâm lý cho các bệnh nhân.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
Theo TS Minh Thúy, đa số bệnh nhân đều hài lòng về mọi mặt trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, tuy nhiên, có đến 67% trong số họ rất mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong khi điều trị Covid-19 và sau khi xuất viện.
"Nhiều người bệnh tỉnh dậy sau cơn mê man và chứng kiến xung quanh mình là dây dợ, họ rơi vào hoảng loạn. Càng kinh khủng hơn nếu biết người thân của họ đã mất trong đại dịch. Lúc này, bệnh nhân cần được giúp đỡ để vượt qua những ám ảnh tâm lý", TS Thúy chia sẻ thêm.
Theo nhận định ban đầu của chuyên gia này trong thời gian làm tình nguyện viên đặc biệt tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ba vấn đề chính bệnh nhân Covid-19 cần được hỗ trợ hiện nay là lo âu, hoảng loạn và trầm buồn.
TS Minh Thúy chia sẻ những ngày đầu đến bệnh viện, bà gần như bất lực vì chứng kiến những bệnh nhân nặng quá nhiều. Để điều trị tâm lý cho bệnh nhân, nữ tu sĩ cần phải lắng nghe họ chia sẻ, sau đó tìm kiếm giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng.
"Kiên trì tiếp cận những bệnh nhân vừa hồi phục, chúng tôi nhận thấy họ có khá nhiều vấn đề lo lắng, hoảng loạn và trầm buồn. Thông thường, người bệnh rất cần gia đình chăm sóc nhưng hoàn cảnh này không thể, tâm lý dễ rơi vào chán nản", chuyên gia này nói.
Một số bệnh nhân sau cơn nguy kịch và may mắn giữ được mạng sống, nhưng lại nằm miên man, không buồn nói chuyện, ăn uống. Với những trường hợp này, TS Thúy thường ngồi hàng giờ để kết nối, ra ký hiệu chờ đợi sự đồng ý từ bệnh nhân. Sau đó khơi gợi cho người bệnh những vấn đề băn khoăn, giúp họ ăn uống, massage...
Ngoài việc lắng nghe, động viên bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn, chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ can thiệp một số kỹ thuật tâm lý để giúp đỡ người bệnh.
Gần đây, số lượng những bệnh nhân được xuất viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tăng rõ rệt, trung bình trên 30 người/ngày.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, đơn vị này đã tiếp nhận trên 2.900 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó 2/3 bệnh nhân ở độ tuổi từ 50 trở lên, kèm bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp...
Hiện 50% bệnh nhân xuất viện, hoặc giảm từ độ nặng sang nhẹ và được chuyển đến bệnh viện tầng dưới tiếp tục điều trị.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/20-f0-o-benh-vien-hoi-suc-covid-19-bi-tram-cam-post1264730.html