20 năm Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay đóng góp cho sự nghiệp GTVT nước nhà

Sáng 8/6, Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay (Trường Đại học GTVT) kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS. TS. Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay nhấn mạnh, với mục tiêu chiến lược là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho ngành Hàng không, từ đó đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo phù hợp.

20 năm đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nói riêng và phát triển kết cấu hạ tầng GTVT nói chung của Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay

20 năm đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nói riêng và phát triển kết cấu hạ tầng GTVT nói chung của Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay

Trong điều kiện khó khăn về giảng viên chuyên ngành và tài liệu giảng dạy, Bộ môn đã được hình thành với đội ngũ ban đầu gồm 6 giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 3 thạc sĩ, 2 kỹ sư. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, ngay trong thời gian đầu, các thầy cô giáo của Bộ môn đã kết hợp với các nhà khoa học trong lĩnh vực hàng không đã hoàn thiện chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình giảng dạy.

Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển của Nhà trường và phù hợp với nhu cầu nguồn lực của ngành Hàng không. Theo đó, hàng chục chương trình đào tạo được xây dựng và phê duyệt để đưa vào phục vụ có hiệu quả giảng dạy kỹ sư chính quy cho ngành Hàng không và công trình giao thông như kỹ sư xây dựng đường ô tô sân bay.

Qua 20 năm đào tạo, hàng nghìn kỹ sư và hàng trăm thạc sĩ kỹ thuật được đào tạo, nhiều kỹ sư đã và đang giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực hàng không và xây dựng công trình giao thông.

"Gắn nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, những năm qua, Bộ môn đã tích cực thực hiện và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho ngành GTVT. Nhiều công trình nghiên cứu do Bộ môn chủ trì đều gắn liền với nhu cầu thực tiễn và được đánh giá cao, điển hình là các công trình nghiên cứu về vật liệu "xanh" (tái chế, sử dụng vật liệu phế thải) như: Đề tài nghiên cứu sử dụng phế thải xây dựng tại Hà Nội làm móng mặt đường; Đề tài nghiên cứu kết cấu và định hình hóa cầu bộ hành ở Hà Nội; Đề tài nghiên cứu và sử dụng phế thải nhà máy giấy làm chất gia cố móng và mặt đường; Đề tài sử dụng ảnh vệ tinh trong khảo sát, đánh giá phục vụ quy hoạch các sân bay - cảng hàng không; Đề tài nghiên cứu chế tạo vật liệu sửa chữa mặt đường bê tông xi măng sân bay", PGS. TS. Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh.

Hoạt động thử nghiệm công nghệ sửa chữa nền móng mặt đường sân bay

Hoạt động thử nghiệm công nghệ sửa chữa nền móng mặt đường sân bay

20 năm xây dựng và phát triển, trải qua quá trình đi từ không đến có, với nền tảng tri thức không ngừng được cập nhật, phát triển, Bộ môn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của ngành GTVT nói chung và ngành Xây dựng công trình hàng không nói riêng, là "địa chỉ đỏ" đáng tin cậy về đào tạo của ngành Hàng không dân dụng cả nước về lĩnh vực công trình cơ sở hạ tầng sân bay - cảng hàng không.

Bộ môn tự hào đã đào tạo được nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ đang phục vụ trong lĩnh vực xây dựng sân bay - cảng hàng không ở nước ta hiện nay. Nhiều công trình nghiên cứu của Bộ môn đã được áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tế trong lĩnh vực xây dựng giao thông, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không.

Với những nỗ lực và đóng góp đó, trong suốt chiều dài 20 năm xây dựng và phát triển, tập thể Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng thưởng Bằng khen.

Hoàng Thạch

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/20-nam-bo-mon-xay-dung-duong-o-to-va-san-bay-dong-gop-cho-su-nghiep-gtvt-nuoc-nha-183240608162558911.htm