20 năm lao động chân tay của nhà văn bị cấm xuất bản đến cuối đời
Cuốn 'Độc giác' của Hamvas Béla (Nguyễn Hồng Nhung dịch) vừa được NXB Tri Thức phát hành, giúp độc giả Việt Nam biết thêm về di sản còn chưa được nhiều người biết đến của ông.
Hamvas Béla (1897 - 1968) là triết gia, nhà văn hiện đại hàng đầu Hungary, người đã lôi cuốn nhiều độc giả trẻ Việt Nam bằng những thiên tiểu luận tuyệt vời do dịch giả Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ. Nhưng nhiều người không biết rằng, một người có đầu óc phi thường và thông tuệ như vậy đã buộc phải làm công việc lao động chân tay trong khoảng thời gian 20 năm.
Ông nhìn thấy trong chủ nghĩa siêu thực và nghệ thuật trừu tượng “sự hiện hữu của một hiện tồn ở trạng thái cao hơn” và chống lại thứ nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Tư tưởng này đã bị György Lukács - triết gia, nhà mỹ học, nhà nghiên cứu lịch sử văn học và phê bình văn học người Hungary - “tấn công” mạnh mẽ, khiến các tác phẩm của ông bị loại bỏ khỏi tất cả các thư viện.
Thậm chí, Hamvas Béla còn bị cấm xuất bản đến cuối đời. Các bài viết của ông chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời, tức là từ giữa những năm 1980, khiến nhiều độc giả không khỏi ngỡ ngàng khi biết có một nhân vật tầm cỡ như thế từng sống trong thế hệ của họ.
Géza Szőcs - nhà thơ và chính trị gia Hungary - đã tuyên bố: “Vào năm 1955, tại Hungary, chỉ có một người duy nhất không chỉ có thể trò chuyện mà còn thực sự trao đổi quan điểm với Heraclitus, Đức Phật, Lão Tử và Shakespeare, hơn nữa, bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi người, đó là Hamvas Béla”.
Hamvas Béla là một trong những nhà siêu hình học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, ông nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử văn hóa, lịch sử khoa học, tâm lý học, triết học và ngôn ngữ Đông Á. Ông đã tìm ra cách thức ưu việt để biểu đạt tư tưởng và nghệ thuật của mình: thể loại tiểu luận, vừa mang tính chất “văn chương” vừa có thể “triết lý”. Trong cuộc khủng hoảng tinh thần của thời đại, Hamvas tìm về những truyền thống siêu hình, qua những cuốn sách thiêng như Áo nghĩa thư, Đạo Đức Kinh, Tử thư Tây Tạng,...
Trong tiểu luận Một trăm cuốn sách trong cuốn Độc giác, ông liệt kê 100 cuốn sách hoặc tác giả, “mà từ đó, nếu tất cả những cuốn sách khác bị mất, người ta vẫn có thể xây dựng lại những trào lưu, những khuynh hướng chính của văn hóa nhân loại”. Ông điểm qua tất cả những cổ văn của văn hóa nhân loại, dù chúng được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau và đến từ các quốc gia khác nhau. Các tư tưởng gia Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã cổ xưa cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch châu Âu hiện đại cũng được nhắc đến… Danh sách này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các độc giả nghiêm túc muốn biến những trải nghiệm đọc thành những thay đổi trong nhận thức và đời sống của họ.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt của Hamvas Béla là Triết lý về rượu (tên tiếng Anh: Philosophy of wine). Đây là một tác phẩm được viết bằng văn phong diễm tuyệt về rượu vang và tính thánh thiêng của nó, về sự tôn thờ cuộc sống, sự ngưỡng vọng Thượng đế trong thời đại của chủ nghĩa vô thần.
Có thể nói rằng, trong thời đại ngày nay, khi công nghệ đang phát triển như vũ bão và chủ nghĩa vật chất ngự trị, nhu cầu tìm hiểu, chấp nhận Hamvas Béla và trở thành những độc giả nhiệt thành của ông ngày càng gia tăng. Hamvas Béla có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của sự im lặng và trầm tư, quán tưởng.
Ông còn trích dẫn tính toán của Aldous Huxley cho rằng “vòng tròn yên tĩnh” của chúng ta đang giảm 13,5 km mỗi năm do gia tăng dân số và lòng tham vật chất vô đáy của con người. Ông cho rằng có lẽ không còn bao lâu nữa, “yên tĩnh” sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi đời sống nhân loại. Lúc đó thì “hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trên những ngọn núi ở Himalaya hoặc giữa đại dương”.
“Cô đơn là điều không dễ dàng. Khó để yên lặng ngắm nhìn bình minh màu tro xám trong những ngày tháng mười một, khó để bước ra ngoài hiên khi không có ai trong tầm mắt. Bạn cần hiểu rằng mình có cơ hội tốt hơn để giải mã vẻ đẹp của cuộc sống trong sự giam cầm của nỗi cô độc bởi vì đó sẽ là khi bạn bắt đầu hiểu được bản chất của Thượng đế là một và duy nhất. Bạn có thể tạm thời hạnh phúc hơn trong một môi trường xã hội, nhưng bạn chỉ có thể tiếp cận với Thượng đế khi đơn độc một mình” (Hamvas Béla).