20 năm sau quyết định lịch sử

Ngày 1-5-2024 đánh dấu 20 năm sau đợt mở rộng có thể coi là lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), với sự gia nhập đồng thời của 10 nước Cyprus, Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia.

Vài năm sau đó, Bulgaria, Romania và Croatia gia nhập đại gia đình châu Âu. Sự mở rộng nhanh chóng này đem lại nhiều thành quả lẫn thách thức cho EU.

 Ảnh: AFP/TTXVN

Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tiên, đó là một thị trường chung rộng lớn, nhiều cơ hội, thịnh vượng và an toàn hơn. Trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa đã được xây dựng khắp 27 quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU. Xã hội châu Âu cũng được hưởng lợi với nhiều đổi mới và cơ hội lớn hơn cho mọi người.

Từ năm 2004, hơn 2,7 triệu người đã đón nhận cơ hội học tập và giảng dạy ở nước ngoài thông qua chương trình Erasmus. Việc bổ sung các thành viên mới đã giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của EU trên toàn cầu. Lợi thế của một thị trường chung ngày càng rộng mở giúp EU trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn trong dòng chảy thương mại chung.

Tuy nhiên, còn những “điểm tối” trong bức tranh mở rộng quy mô của EU. Thứ nhất, đó là sự bất bình đẳng kinh tế và khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên cũ - mới.

Tiếp đó là thách thức về đoàn kết. Những năm gần đây, phong trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy tại Hungary, Ba Lan... ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu, dẫn đến nhiều chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho chính phủ quốc gia.

Việc tăng số lượng thành viên cũng có thể làm tăng áp lực lên ngân sách chung, gây phức tạp thêm chính sách viện trợ khu vực cũng như quy trình ra quyết định của khối. Một chủ đề nóng hiện nay là việc kết nạp Ukraine.

Theo nhận định của tờ Politico, nỗ lực mở rộng mà EU dành cho Ukraine, vốn đang vướng những trở ngại chính trị, sẽ càng khó khăn hơn khi kỳ vọng về cải cách ở Kiev cũng như sự phản đối của một số quốc gia thành viên ngày càng tăng.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/20-nam-sau-quyet-dinh-lich-su-post737962.html