2025 - Năm bản lề để kinh tế Việt Nam vươn mình

Việt Nam bước vào năm 2025 với tham vọng đạt tăng trưởng GDP hơn 8%. Mục tiêu này không chỉ đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 mà còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bền vững trong thập kỷ tới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này.

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8%.

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8%.

Một trong những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ chính sách "Trung Quốc +1" của các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, chính sách kích thích kinh tế trong nước với các biện pháp tài khóa và tiền tệ linh hoạt, cùng những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng cao, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Biến động kinh tế toàn cầu, nguy cơ suy thoái tại một số khu vực và bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu. Chính sách thương mại quốc tế đang có xu hướng gia tăng bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp áp thuế và rào cản phi thuế quan từ những thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU. Trong nước, hiệu suất sản xuất chưa thực sự cao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, đòi hỏi phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.

PGS TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ với PetroTimes: nếu không có yếu tố đột biến, GDP năm 2025 có thể tiệm cận 8%. Nhìn lại năm 2024, ông Thịnh cho rằng kinh tế năm 2024 đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đi vào “quỹ đạo” quý sau tăng cao hơn quý trước, tăng trưởng lần lượt là 5,98% - 7,25% - 7,43% và 7,55% để cả năm đạt 7,09%, cao hơn đáng kể mức 5,07% của năm 2023 cũng như mức trung bình 5,22% của giai đoạn 2020-2024. Mức tăng trưởng 7,09% tương đương tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5 năm trước đại dịch COVID-19 (2015-2019)”, ông Thịnh nói.

PGS TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ: nếu không có yếu tố đột biến, GDP năm 2025 có thể tiệm cận 8%.

PGS TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ: nếu không có yếu tố đột biến, GDP năm 2025 có thể tiệm cận 8%.

Phân tích các số liệu thống kê năm 2024, ông Thịnh khẳng định đầu tư và tiêu dùng đã có sự phục hồi. “Nếu như trong giai đoạn 2022-2023, tốc độ tăng tích lũy tài sản thấp hơn tăng trưởng GDP, thì đến năm 2024, tăng tích lũy tài sản đã cao hơn một chút. Tốc độ tăng tiêu dùng nội địa cũng đã phục hồi trong năm 2024. Nói cách khác, doanh nghiệp và người dân lạc quan hơn khi bắt tay vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2025”.

Về dư địa cho tăng trưởng, ông Thịnh cho rằng ẩn số nằm ở xuất khẩu hàng hóa. “Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó xuất khẩu tăng 14,3% so với năm 2023. Đây là con số rất ấn tượng, nhưng lại là áp lực rất lớn cho năm 2025. Vì thế, năm nay, xuất khẩu có thể tăng trưởng chậm lại, thấp hơn so với năm trước. Lý do là tốc độ tăng trưởng năm 2024 cao hơn đáng kể so với mức trung bình của 3 năm, 5 năm và 10 năm gần nhất, do vậy sẽ có xu hướng quay trở lại mức trung bình trong trung - dài hạn”, ông Thịnh nói. Với kịch bản GDP tăng trưởng từ 8% trở lên, ông Thịnh cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư công, hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tín dụng phải tăng trưởng 17-18%. Với kịch bản này, sẽ có một lượng vốn không nhỏ đầu tư vào nền kinh tế, dẫn đến sức ép lạm phát rất lớn, nhưng khả năng, lạm phát cũng chỉ nằm trong khoảng 3,8 - 4,1%.

Còn theo Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, kết quả kiểm soát lạm phát năm 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo. "Một trong những điểm nhấn của kinh tế Việt Nam 2024 là lạm phát được kiểm soát trong khuôn khổ mục tiêu đặt ra của Quốc hội. Thứ hai, lạm phát của chúng ta có một đặc điểm là lạm phát cơ bản thấp hơn lạm phát trung bình, cho thấy sức ảnh hưởng của các chỉ số liên quan tới giá cả thiết yếu cao và mạnh so với các nước. Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát khá tốt cung tiền. Thứ ba, các biện pháp chống lạm phát, chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó, chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng duy trì được mức lãi suất dương"- chuyên gia này khẳng định.

Dự báo tình hình kinh tế năm 2025 PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với áp lực từ kinh tế quốc tế, các yếu tố như chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước lớn, căng thẳng địa chính trị, và biến động giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát.

Vì vậy, Chính phủ, NHNN, và các bộ ngành phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng phó. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa, Việt Nam cần duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6 - 7% để tạo động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, đầu tư. Cùng đó, kiểm soát lạm phát quanh mức mục tiêu 4-5% và cần cảnh giác với áp lực tăng giá từ hàng nhập khẩu cũng là những nhiệm vụ ưu tiên trong năm.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, 2025 hứa hẹn là một giai đoạn chuyển mình với cả thách thức và cơ hội.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, 2025 hứa hẹn là một giai đoạn chuyển mình với cả thách thức và cơ hội.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bất động sản, ngoài chính sách tiền tệ, theo PGS. TS Ngô Trí Long cần cân nhắc thêm các chính sách liên quan đến chính sách tài khóa.

Cụ thể, cần giảm thuế và gia hạn thuế, áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc gia hạn thời gian nộp thuế để giúp doanh nghiệp tăng dòng tiền. Đi kèm với đó là hỗ trợ tài chính, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, trợ cấp lãi suất, hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về chính sách thương mại, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tổ chức các hoạt động giao thương, và xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế. Cùng đó tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán với các đối tác thương mại để giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị ở nhiều khu vực kéo dài những năm gần đây đặt ra yêu cầu tập trung phát triển các doanh nghiệp cũng như ngành logistics, cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm chi phí logistics để hỗ trợ chuỗi cung ứng.

Việc xây dựng các chính sách phát triển ngành cũng là yếu tố quan trọng cần tập trung trong năm 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi những "ma trận" thủ tục hành chính đầy vướng mắc. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến động về lạm phát, lãi suất, và xung đột địa chính trị có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và chuỗi cung ứng của Việt Nam. Cùng đó là các áp lực từ các rào cản thương mại, yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường từ các thị trường lớn như EU và Mỹ.

Ông Long cũng cho rằng, việc có các giải pháp khác liên quan ưu đãi đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản khu công nghiệp hoặc các ngành xuất khẩu chiến lược trong thu hút FDI đi kèm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài… cũng là một trong những đầu việc khó cần ưu tiên giải quyết nếu muốn đất nước tiến xa hơn trong việc hình thành các ngành kinh tế mới với hàm lượng chất xám nhiều hơn.

“Năm 2025 hứa hẹn là một giai đoạn chuyển mình với cả thách thức và cơ hội. Việt Nam cần tập trung vào việc đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh để tận dụng tối đa tiềm năng này” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Có thể nói năm 2025 sẽ là thời điểm then chốt để Việt Nam bứt phá, nhưng điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu các chính sách kinh tế được thực thi hiệu quả, linh hoạt và có khả năng ứng phó với những biến động toàn cầu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần duy trì môi trường kinh doanh ổn định, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Với chiến lược đúng đắn và quyết tâm cao, năm 2025 có thể trở thành năm bản lề, tạo nền tảng vững chắc để nền kinh tế Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.

Minh Khang

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/2025-nam-ban-le-de-kinh-te-viet-nam-vuon-minh-724036.html