Các bộ trưởng hiến kế phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chiều 11/2, tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các bộ trưởng đã hiến kế nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57...
Thủ tướng cũng cho biết, đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ KH&ĐT đề xuất thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật.
Kế đến, cần xác định ngay các dự án trọng tâm; nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Cụ thể, bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9. Cùng với đó, bộ cũng tập trung xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. “Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Đạt cho hay.
Trường đại học phải trở thành “thỏi nam châm”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tăng trưởng truyền thống dần tới hạn, nếu muốn tăng thêm từ 7-10% “phải có các động lực tăng trưởng mới”. Điều này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo ông, nông nghiệp đã giúp cho Việt Nam thoát nghèo; FDI, công nghiệp giúp cho Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Muốn phát triển tốt lĩnh vực này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải cần đến nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu. Điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Qua đó, trường đại học phải trở thành trung tâm, “thỏi nam châm” hút các nghiên cứu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2025, trong 75.000 tỷ dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nên dành 5.000 tỷ cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.
“Chúng ta làm liên tục việc này trong 5 năm sẽ hình thành căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ”, Bộ trưởng cho hay.
Còn theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao có tác động mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi 3 yếu tố: Tăng năng suất lao động trực tiếp và gián tiếp; tăng thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực thâm dụng tri thức và công nghệ; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước.
Thủ tướng đề nghị rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hóa, công nghiệp văn hóa, giải trí…