21 tuổi đột quỵ vì sai lầm kéo dài suốt 5 năm
Nam thanh niên 21 tuổi nhập viện cấp cứu vì đột quỵ. Bác sĩ chỉ ra thủ phạm chính là thói quen hút thuốc lá từ năm 16 tuổi, mỗi ngày 1-2 bao.
Đột quỵ vì thuốc lá
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới chia sẻ về hai bệnh nhân trẻ bị đột quỵ.
Bệnh nhân N.T.G (21 tuổi) bị đột quỵ nhồi máu não được đưa đến điều trị trong thời gian vàng. Anh G. có tiền sử hút thuốc lá từ năm 16 tuổi, trung bình mỗi ngày hút từ 1-2 gói. Khi bác sĩ thông báo, bệnh nhân và gia đình đều sốc vì anh G. đang ở tuổi thanh niên.
Trường hợp khác là bệnh nhân V.V.T (44 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não nặng, nguyên nhân do tăng huyết áp, không thể can thiệp được nữa.

Tiến sĩ Cường can thiệp cho một ca bệnh đột quỵ. Ảnh: BSCC.
Theo Tiến sĩ Cường, đột quỵ như "thần chết" chỉ chờ người ta chủ quan, lơ là không chăm sóc sức khỏe sẽ lập tức tấn công và tước đoạt mạng sống của họ.
Khi đưa bệnh nhân vào cấp cứu, một số gia đình thấy bất ngờ, có người ôm mặt khóc hỏi bác sĩ: “Hôm qua còn bình thường nhưng hôm nay tại sao như vậy?”. Có người bệnh trước đó vừa mới ăn cơm, uống cà phê, nói chuyện qua điện thoại, chạy xe… mà ít phút sau đã nằm bất động.
“Những trường hợp đột quỵ được phát hiện sớm, đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời có cơ hội bình phục. Một số người tới trễ đã không qua khỏi. Nhiều bệnh nhân của tôi 'kẹt lại' ở tuổi thanh xuân, giữa lúc công việc, sự nghiệp thăng tiến, lúc này họ mới 'giá như…' nhưng tất cả đã muộn”, vị bác sĩ này nói.
Theo bác sĩ Cường, 10 yếu tố hàng đầu gây đột quỵ gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, chỉ số BMI cao, tăng cholesterol, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn chức năng thận. Trong đó, hút thuốc lá là yếu tố được các chuyên gia cảnh báo đầu tiên.
Bác sĩ Cường cho rằng, đột quỵ có thể xuất hiện dấu hiệu cảnh báo hoặc không. Người có nguy cơ có thể tầm soát đột quỵ bằng kiểm tra mạch máu não, các yếu tố bệnh nền đi kèm.
Ai có nguy cơ đột quỵ
Thứ nhất, người từng bị đột quỵ. Theo bác sĩ Cường, đây là nhóm nguy cơ cao, cần tầm soát đột quỵ để giảm thiểu khả năng tái phát. Khi đó, các triệu chứng sẽ nặng hơn rất nhiều và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thứ hai, người đau đầu kéo dài, động kinh, có những cơn mất ý thức thoáng qua đặc biệt ở người trẻ, dấu hiệu thần kinh khu trú yếu tay yếu chân, tê tay, nói đớ, nói khó,…
Thứ ba, người có bệnh nền, người có bệnh lý tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, đặc biệt là người có tiền sử về bệnh tim mạch.
Thứ tư, người có người thân, ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột từng bị đột quỵ.
Thứ năm, người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia lâu năm, người thừa cân/béo phì.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/21-tuoi-dot-quy-vi-sai-lam-keo-dai-suot-5-nam-2394897.html